Người Trung Quốc góp tiền mua 21 lô đất ven sân bay quân sự

Thứ năm, 19/09/2019, 16:50 GMT+7

Ngày 19/9, tại buổi tiếp xúc với đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cử tri Ngô Minh Hồng cho rằng hoạt động của người Trung Quốc trên địa bàn đang rất phức tạp, trong đó nổi lên việc núp bóng người Việt để mua đất ở khu vực ven biển. "Cơ quan chức năng phải có biện pháp cho vấn đề này", ông Hồng nói.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng, vừa qua Đà Nẵng đã rà soát các khu vực dự án và xác định 21 trường hợp người Trung Quốc có tên trong quyền sử dụng đất ở khu vực dự án đô thị dọc sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn).

Vệt đô thị có người Trung Quốc đứng tên quyền sử dụng đất nằm sát vách với sân bay quân sự Nước Mặn. Ảnh: Nguyễn Đông.

Vệt đô thị có người Trung Quốc đồng sở hữu quyền sử dụng đất nằm sát vách với sân bay quân sự Nước Mặn. Ảnh: Nguyễn Đông.

"21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên do trước đây mảnh đất được cấp giấy chứng nhận cho người Việt Nam, nhưng quá trình khai thác, sử dụng người Trung Quốc đã dùng hình thức mua cổ phần, hoặc góp vốn để sau đó nhận chuyển quyền sử dụng đất", ông Hùng nói.

Vệt đất dọc sân bay Nước Mặn có mặt tiền là đại lộ Võ Nguyên Giáp, gồm 246 lô đất. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện đúng luật, còn "xác định có dấu hiệu người Trung Quốc núp bóng hay không là chức năng của cơ quan điều tra".

Đây là lần đầu tiên Đà Nẵng công bố con số các lô đất do người Trung Quốc đứng tên ở khu vực gần sân bay quân sự Nước Mặn. Vệt đô thị nằm ở phường Khuê Mỹ này đã mọc lên một số nhà hàng, cửa hàng trầm hương... còn lại là đất trống chưa xây dựng.

Lý giải thêm về vấn đề này, ông Tô Văn Hùng cho biết, trong số 21 lô đất có yếu tố người Trung Quốc, có một trường hợp là công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores của doanh nghiệp Trung Quốc đứng tên thực hiện dự án Khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Hoàng Đạt, với 100% vốn nước ngoài.

20 trường hợp còn lại là dự án biệt thự dọc tường rào sân bay Nước Mặn (đất ở chia lô) trước đây thành phố thực hiện bán đấu giá và giao đất hoàn toàn cho cá nhân, tổ chức trong nước. Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các cá nhân và tổ chức này đã bán cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (nhà đầu tư Trung Quốc góp 49% vốn). Công ty này hoạt động như doanh nghiệp trong nước nên được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Cụ thể, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặt trước đề tên người Việt Nam, trong phần ghi chú chuyển nhượng đứng tên công ty có vốn do người Trung Quốc góp. "Không có cá nhân người Trung Quốc đứng tên trên sổ đỏ", ông Hùng khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi - Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho hay, mặt đường dọc sân bay lớn nên ngoài việc cấp quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, còn liên quan đến cấp phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng. "Điều này khiến công tác quản lý của địa phương gặp nhiều khó khăn. Nhưng đến nay chưa phát sinh vấn đề về an ninh trật tự, an ninh chính trị", bà Thi nói.

Bà Thi khẳng định, các nhà hàng, quán ăn, kinh doanh massage (có giấy phép) đều "hoạt động đàng hoàng và chưa có vi phạm". Công an địa phương thường xuyên đi kiểm tra. "Tuy chưa có vấn đề gì nhưng chúng tôi luôn theo dõi, chứ không chủ quan", bà Thi nói thêm.

Thông tin về tình trạng người Trung Quốc nhờ người Việt mua đất, đứng tên hộ ở khu vực sân bay Nước Mặn ven biển từng được người dân Đà Nẵng lo ngại từ 4 năm trước. Lãnh đạo thành phố khi đó cũng khẳng định đang "kiểm soát được khu vực này và chưa ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh".

Chiều 14/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Trong đó, Chính phủ có nhiệm vụ rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, xử lý nghiêm việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật.


vnexpress.net