Hàng năm xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc nằm ven theo sông Thu Bồn hứng chịu nhiều đợt sạt lở sau lũ lụt. Trong đó, riêng đợt mưa lũ tháng 11/2017 đã khiến thôn Hanh Đông mất 21.500 m2; thôn Tây Lễ mất 500 m2 và 24 hộ nguy cơ không có nhà ở.
Người dân xã Đại Thạnh trồng tre ven sông Thu Bồn. Ảnh: Đắc Thành. |
"Nhà dân bị ảnh hưởng do sạt lở nhưng quỹ đất ở địa bàn đã không còn để bố trí tái định cư", bà Nguyễn Thị Minh Nam, chủ tịch xã Đại Thạnh nêu khó khăn.
Chính quyền xã báo cáo lên cấp trên để hỗ trợ xây dựng kè kiên cố, tuy nhiên huyện và tỉnh chưa có trả lời cụ thể. Do vậy, xã Đại Thạnh đưa ra phương án tạm thời là kêu gọi người dân trồng tre để giữ đất, bảo vệ làng.
"Các thế hệ cha ông chúng tôi từng trồng tre để ngăn sạt lở dọc hai bên sông, vì tre rất dễ sống, rễ nhiều nên giữ đất tốt”, bà Nam nói và cho hay toàn xã bị sạt lở gần 2 km dọc sông và đến nay người dân trồng tre được khoảng một km.
Vào cuối tháng 3, toàn dân xã Đại Thạnh được phân công mỗi gia đình đào vài gốc tre trong vườn mang đi trồng. "Hôm đó giống như ngày hội của làng, bà con người đào hố, người đưa tre xuống, người ra sông múc nước tưới", bà Nam kể.
Tre được trồng xong, ông Phan Văn Chữ, thôn Hanh Đông tự nguyện đảm nhận công việc tưới nước cho cây. Hàng ngày, ông kéo máy bơm lấy nước từ sông để tưới tắm cho từng gốc cây.
Sau năm tháng, những gốc tre cắm vào lòng đất đã ra lá xanh tươi trên bãi đất sạt lở. "Tỷ lệ sống khoảng 60%, đây là điều đáng mừng", ông Chữ nói.
Những cây tre bắt đầu phát triển ở bãi ven sông. Ảnh: Đắc Thành. |
Theo người dân địa phương, cây tre không chỉ có tác dụng chống xói lở mà sau này còn cho thu hoạch măng, thân trẻ dùng để đan lát và làm nhà cửa.
Tương tự xã Đại Thạnh, xã Đại Cường cũng nằm bên sông Thu Bồn và thường bị lũ lụt cuốn trôi nhiều ha đất màu mỡ. Cuối tháng 12/2017, người dân nơi đây đã trồng hàng trăm gốc tre dọc sông để bảo vệ đất nông nghiệp.
Những rặng tre được người dân huyện Đại Lộc trồng ven sông. Ảnh: Đắc Thành. |
Lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc cho biết, sau đợt lũ năm 2017, trên địa bàn huyện có khoảng 20 ha đất bị sạt lở. Để bảo vệ đất, người dân sống bên sông Thu Bồn, Vu Gia đã trồng hàng tre với chiều dài khoảng 10 km.
Ông Hồ Ngọc Mẫn, phó chủ tịch huyện Đại Lộc nói, trồng tre ngăn sạt lở là giải pháp trước mắt trong khi chờ kinh phí triển khai kè cứng các điểm có nguy cơ sạt lở.
"Việc trồng tre giúp tiết kiệm chi phí, nếu kè cứng một km thì kinh phí mất gần 20 tỷ đồng, nhưng trồng tre chủ yếu dựa vào nhân dân", ông nói và cho hay ở những khu vực có kè cứng rồi, huyện vẫn tiến hành cho người dân trồng tre ở phần đất phía trong, "như vậy sự vững chắc sẽ được nhân đôi".