Tỷ lệ sở hữu nhà trong giới trẻ Australia đã giảm xuống thấp kỷ lục, khi giá bất động sản tại đây tăng vọt.
Lãi suất thấp, thiếu nguồn cung và hệ thống thuế có lợi cho các nhà đầu tư đã khiến giá nhà tại Sydney tăng hơn 140% trong 15 năm qua. Thành phố này đã vượt London và New York để trở thành thị trường địa ốc đắt đỏ thứ nhì thế giới. Trong khi đó, Melbourne - thành phố đáng sống nhất thế giới 7 năm qua do Economist Intelligence Unit đánh giá cũng có giá nhà cao thứ 6 hành tinh.
Việc này đã khiến tỷ lệ sở hữu nhà trong giới trẻ nước này giảm mạnh. Chỉ khoảng 45% người ở độ tuổi 25 - 34 là có nhà riêng, giảm 16% so với thập niên 80. Nửa mức giảm này xảy ra trong thập kỷ qua. Cũng trong giai đoạn này, hoạt động vay mua nhà tăng lên, đẩy nợ hộ gia đình lên kỷ lục. Khi ngày càng nhiều người nghỉ hưu rồi vẫn chưa trả xong nợ mua nhà, hoặc còn phải đi thuê, Chính phủ càng phải chi nhiều cho phúc lợi xã hội.
“Giấc mơ mua nhà của người Australia đang trở thành ác mộng”, Brendan Coates - chuyên gia chính sách bất động sản tại Viện Grattan nhận xét, “Đây là hậu quả từ sai lầm chính sách mà phải mất ít nhất 2 thập kỷ mới khắc phục được”.
Melbourne có giá nhà cao thứ 6 thế giới. Ảnh: Herald Sun
Số người Australia bất mãn về giá nhà đang ngày càng tăng. Gần 90% người dân lo sợ thế hệ tương lai sẽ không mua được nhà, theo một khảo sát của Đại học Quốc gia Australia. Việc này đang gây sức ép lên chính phủ.
Một trong những nguyên nhân lớn nhất là chính sách thuế khiến bất động sản trở thành món hời với những kẻ đầu cơ tài sản tài chính. Những người mua nhà lần đầu than phiền rằng họ không thể cạnh tranh với nhà đầu tư, vì nhóm này có thể dùng chi phí sở hữu một căn bất động sản cho thuê để được giảm thuế thu nhập.
Sức hút của việc đầu tư vào bất động sản càng tăng tốc từ năm 1999, khi thuế trên khoản chênh lệch sau bán nhà được giảm nửa. Vì thế, khi giá bất động sản liên tục đi lên, nhà đầu tư cũng xếp hàng đổ tiền vào đây
Hơn 2 triệu người Australia (khoảng một trên 12) sở hữu một căn bất động sản đầu tư. Khoảng 30% số đó có từ 2 căn trở lên.
“Ngày càng nhiều tiền vào bất động sản cũng có nghĩa tiền đổ vào các lĩnh vực khác giảm đi, kéo tụt tăng trưởng kinh tế”, Paul Dales - kinh tế trưởng khu vực Australia tại Capital Economics nhận xét. Giá trung bình một căn nhà tại Sydney đã vượt 1 triệu đôla Australia.
Hồi tháng 5, chính phủ Australia đã đưa ra gói giải pháp nhằm cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, nó chỉ nhắm vào các nhà đầu tư ngoại mua rồi bỏ trống nhà, đồng thời đề xuất ưu đãi thuế cho những người mua nhà lần đầu.
Giới phân tích cho rằng Australia rất khó giải quyết vấn đề này. Và những người dưới 35 tuổi phải có thu nhập cao mới mong mua được nhà.
“Các chính trị gia chỉ đưa ra cách giải quyết theo kiểu bề nổi, có thể có tác dụng trong ngắn hạn nhưng không hiệu quả trong dài hạn”, Judith Yates - giảng viên Đại học Sydney nhận xét, “Họ chưa có nỗ lực nghiêm túc nào để đẩy lùi nguyên nhân gốc rễ”.
Nhiều thành phố trên thế giới cũng đã có biện pháp kiềm chế giá nhà tăng vọt. Singapore đã áp dụng hàng loạt cách, từ cấm các khoản vay chỉ phải trả lãi suất, đến tăng thuế trước bạ, khiến giá nhà giảm 3 năm liên tiếp. Ở Canada, giá nhà ở Toronto cũng giảm nhờ hàng loạt chính sách, từ đánh thuế 15% với người mua nước ngoài đến kiểm soát nhà cho thuê.
Sức ép nhu cầu tại Australia càng tăng khi chính sách nhập cư của họ khiến dân số tăng gần 4 triệu người kể từ năm 2006, chủ yếu tại các thành phố lớn. Nguồn cung không thể đáp ứng suốt hơn một thập kỷ qua. Phần lớn nhà mới lại là dạng căn hộ nhỏ, nhắm đến các nhà đầu tư, thay vì hộ gia đình.
Việc này cũng có tác động lên xã hội. Những người có thu nhập thấp đến trung bình, như giáo viên, y tá không đủ tiền để sống trong cộng đồng họ phục vụ. Trong khi đó, người trẻ ở nhà cùng cha mẹ lâu hơn, thậm chí trì hoãn cưới hỏi và sinh con để dành tiền mua nhà.
Theo Bloomberg