Phúc đáp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định về kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định “Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về phát triển đô thị; tập trung nghiên cứu, đề xuất các mô hình mới về phát triển đô thị; chấn chỉnh kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng, đầu tư phát triển đô thị; tăng cường đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 09/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, tiếp tục đề xuất các giải pháp kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:
Về việc "Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về phát triển đô thị; tập trung nghiên cứu, đề xuất các mô hình mới về phát triển đô thị; chấn chỉnh kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng, đầu tư phát triển đô thị"
Theo Bộ Xây dựng, để từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật làm cơ sở nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị tại các địa phương như Luật Quy hoạch đô thị 2009, Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị; ban hành Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, Thông tư số 12/2014/TT-BXD hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt chương trình phát triển đô thị, Thông tư 01/2018/TT-BXD quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Trong quá trình xây dựng và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật nói trên, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với các các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của các văn bản pháp luật.
Để đáp ứng yêu cầu mới của quá trình đô thị hóa, Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu các mô hình mới về phát triển đô thị như Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, Đô thị tăng trưởng xanh, Đô thị thông minh. Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án triển khai các mô hình mới trong phát triển đô thị: Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 về Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020, Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 về Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam 2030, Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 về Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý phát triển đô thị, các mô hình mới trong phát triển đô thị để đưa vào Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị (dự kiến trình Quốc hội sau năm 2020).
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để tổ chức kiểm tra liên ngành đánh giá công tác phát triển đô thị, kiểm tra theo chuyên đề đối với các dự án Khu đô thị tại các địa phương. Đồng thời, thường xuyên duy trì tổ chức giao ban công tác với các địa phương. Các chương trình giao ban cụm Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, cụm Đồng bằng sông Cửu Long... được định kỳ tổ chức. Qua đó, Bộ đã kịp thời nắm bắt cụ thể tình hình thực tế của các địa phương.
Năm 2018, Bộ Xây dựng đã triển khai 15 đoàn thanh tra công tác quy hoạch tại một số tỉnh, thành phố lớn có tốc độ phát triển đô thị nhanh như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa… Qua công tác thanh tra đã phát hiện kịp thời nhiều tồn tại, vi phạm trong công tác lập, thẩm định phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch; kiến nghị xử lý hành chính và xử lý về tài chính theo thẩm quyền, góp phần chấn chỉnh kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng, đầu tư phát triển đô thị.
Về việc "Tăng cường đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 09/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư"
Ngày 09/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg, ngày 22/11/2018, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị với sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương có nhiều dự án nhà chung cư thuộc địa bàn quản lý (như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...) để quán triệt các nội dung của Chỉ thị số 29/CT-TTg cũng như trao đổi các giải pháp cụ thể trong việc triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg (tại Quyết định số 1625/QĐ-BXD ngày 27/12/2018).
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng thực hiện một số nội dung như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành; Tổ chức đoàn kiểm tra chuyên đề về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quá trình quản lý, sử dụng vận hành nhà chung cư tại một số dự án nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trong tháng 3/2019. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 301/BXD-QLN ngày 20/02/2019 đôn đốc, yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo; Đưa nội dung chấp hành thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vận hành nhà chung cư vào nội dung khi thanh tra các dự án phát triển nhà ở theo kế hoạch hàng năm hoặc đột xuất để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đồng thời lồng ghép công tác kiểm tra quy định về quản lý, vận hành nhà chung cư trong chương trình kiểm tra thường xuyên của Bộ Xây dựng; Đôn đốc chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư; Yêu cầu các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng trong quá trình thẩm định, thẩm tra các dự án theo thẩm quyền; kiên quyết không nghiệm thu đưa vào sử dụng các dự án xây dựng nhà ở không tuân thủ quy định pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng cháy chữa cháy; Phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm theo thẩm quyền.
Trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục cùng các Bộ, ngành thường xuyên đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ của Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 09/10/2018 nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng nhà chung cư đi vào nề nếp; góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; cải thiện điều kiện ở và xây dựng nếp sống văn minh cho cư dân tại các đô thị.
Về việc "Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, tiếp tục đề xuất các giải pháp kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh"
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, thời gian qua, Bộ Xây dựng thường xuyên theo dõi và triển khai các giải pháp để kiểm soát, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật (Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị), trong đó có nhiều nội dung liên quan đến sửa đổi các điều kiện đầu tư kinh doanh và bổ sung các quy định về một số loại hình sản phẩm bất động sản mới như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)...; và đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 102/TTr-CP ngày 05/4/2018.
Ngoài ra, để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”. Đồng thời, ngày 08/10/2018, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 175/TTr-BXD trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án và ban hành Chỉ thị “Về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”.
Không chỉ vậy, để giải quyết các tranh chấp trong quản lý, vận hành nhà chung cư, ngày 08/10/2018, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1304/BXD-QLN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những tồn tại, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để tăng cường biện pháp quản lý nhà chung cư. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 09/10/2018 về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Bộ Xây dựng đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng Đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản bảo đảm an sinh xã hội” trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019 theo kế hoạch để bảo đảm an ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản.
Ngoài ra, nhằm góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Về công tác xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, năm 2015, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Tiếp theo đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 27/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 117/2015/NĐ-CP.
Do đó, hiện Bộ Xây dựng đang tập trung đôn đốc, chỉ đạo các địa phương hoàn thiện hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định tại Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển công khai, minh bạch.
Hàng năm, Bộ Xây dựng đều tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm và để nắm tình hình, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý đối với lĩnh vực xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản. Trong giai đoạn 2017 - 2018, Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện công tác kiểm tra tại một số địa phương trọng điểm về các vấn đề sau như: Kiểm tra việc đầu tư xây dựng và kinh doanh các loại hình bất động sản mới như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)... tại TP Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang. Ngày 27/9/2017, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 137/BC-BXD báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cuối cùng, tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện một số dự án bất động sản cao cấp, sử dụng nhiều diện tích đất tại 10 địa phương trọng điểm, gồm: TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Cần Thơ và Kiên Giang. Ngày 30/10/2017, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 167/BC-BXD báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài những nội dung đã triển khai nói trên, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách; đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường để có các giải pháp kịp thời đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.