Nghệ An, Chính quyền quyết quy hoạch di dời ki-ốt của dân khu vực đền ông Hoàng Mười, rất cần “tiếng nói chung”

Thứ tư, 10/10/2018, 21:37 GMT+7
Nghệ An, Chính quyền quyết quy hoạch di dời ki-ốt của dân khu vực đền ông Hoàng Mười, rất cần “tiếng nói chung”

Nghệ An, Chính quyền quyết quy hoạch di dời ki-ốt của dân khu vực đền ông Hoàng Mười, rất cần “tiếng nói chung”

(Xây dựng) - Thời gian gần đây, cho rằng việc di dời các ki-ốt buôn bán sát khu vực đền ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) sang vị trí mới là bất hợp lý, không xem xét đến quyền lợi các hộ kinh doanh, nhiều người dân đã phản đối quyết liệt bởi họ vẫn chưa thể tìm ra “tiếng nói chung”.

(Xây dựng) - Thời gian gần đây, cho rằng việc di dời các ki-ốt buôn bán sát khu vực đền ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) sang vị trí mới là bất hợp lý, không xem xét đến quyền lợi các hộ kinh doanh, nhiều người dân đã phản đối quyết liệt bởi họ vẫn chưa thể tìm ra “tiếng nói chung”.


Cổng vào khu đền ông Hoàng Mười.

Theo quy hoạch của huyện Hưng Nguyên được UBND tỉnh phê duyệt, 73 ki-ốt kinh doanh sát khu vực đền ông Hoàng Mười (thuộc xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên) từ cổng lớn đi vào phía trong và dãy ki-ốt ở bãi gửi xe cũ sẽ phải di dời sang vị trí mới. Nơi đây sau khi quy hoạch sẽ được xây dựng thành khu tâm linh, trồng cây, làm đường nội bộ.

Vị trí mới của các ki-ốt sẽ nằm phía bên kia đường liên xã nối từ xã Hưng Lợi sang đường tránh TP Vinh, cách đền khoảng 500m. Tuy nhiên, việc quy hoạch này vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các hộ kinh doanh vì cho rằng không đảm bảo an toàn và có nhiều bất hợp lý.

“Vị trí các ki-ốt mới cách xa đền, nằm ở khu vực khuất, không thuận tiện thì khách sẽ không đến mua bán, sử dụng dịch vụ. Nếu như thế thì dân chúng tôi bán cho ai, làm sao kinh doanh được? Hơn nữa, di dời các ki-ốt sang chỗ mới, người dân và du khách sẽ phải băng qua đường lớn có nhiều xe cộ lưu thông mới sang được đền. Việc này là không đảm bảo an toàn giao thông”, một người dân nêu ý kiến.


Các ki-ốt sẽ bị di dời theo quy hoạch.

Theo những hộ kinh doanh tại đây cho biết: Đền ông Hoàng Mười có từ xa xưa nhưng bị tàn phá trong chiến tranh. Năm 1994, người dân xóm Xuân Am đã kêu gọi mọi người dỡ nhà văn hoá xóm để phục dựng lại ngôi đền.

Qua nhiều năm, cùng sự đóng góp xây dựng của người dân và công đức của các nhà hảo tâm, du khách thập phương, đền ngày một khang trang, quy củ. Cùng với đó là hoạt động của các hộ kinh doanh buôn bán, phục vụ nhu cầu của du khách.

Các hộ kinh doanh cho rằng: Đến nay, đền đã có đầy đủ các ban bệ và khu vực dành cho du khách chuẩn bị lễ. Các hộ kinh doanh ở phía ngoài không gây lộn xộn, không làm ảnh hưởng đến hàng lang đi lại của du khách.

Ngay khu đất của các dãy ki-ốt này cũng là của người dân Xuân Am công đức là chính, chỉ nhận một chút tiền hỗ trợ di dời, chứ không phải nhận tiền đền bù. Những năm qua buôn bán tại đây, các hộ kinh doanh đều nộp phí thuê đất đầy đủ.

Vì thế khi chính quyền địa phương muốn quy hoạch lại các ki-ốt cũng như khu vực tâm linh của đền cũng cần xem xét và quan tâm đến quyền lợi của người dân kinh doanh nơi đây.


Việc di dời các ki-ốt vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Ông Hồ Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết: Việc quy hoạch lại khu vực tâm linh và khu vực kinh doanh tại đền ông Hoàng Mười đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 2014.

Chúng tôi đã cho dán công khai bản quy hoạch tại khu vực đền Hoàng Mười hơn 3 năm qua để người dân được biết cũng như có hướng phản hồi. Nhưng trong quá trình dán công khai theo quy định các hộ dân kinh doanh tại đền không có ý kiến phản hồi về quy hoạch nói trên.

Tuy nhiên, khi phía chính quyền địa phương bắt tay vào thực hiện các bước chuẩn bị cho quy hoạch lại đền ông Hoàng Mười thì vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân nên việc thực hiện quy hoạch đã bị chậm hơn 1 năm nay. Trước sự phản ứng của người dân, chính quyền huyện, xã đã có 5 cuộc họp lấy ý kiến, giải thích về quy hoạch này nhưng người dân vẫn chưa đồng tình.

Thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thực hiện theo quy hoạch, tiếp tục tuyên truyền giải thích cho người dân. Hiện tại, các ki-ốt vẫn hoạt động kinh doanh bình thường, khi nào xây dựng hoàn thiện các khu kinh doanh khang trang, rộng rãi thì mới giải phóng các ki-ốt cũ.

“Người dân mong muốn được buôn bán trong khu vực tâm linh, vì ngay sát đền nên rất thuận lợi. Nhưng theo quy hoạch của tỉnh thì khu tâm linh phải riêng, yên tĩnh, còn kinh doanh thì phải dời sang khu vực khác”, ông Hiệp cho biết thêm.


Các ki-ốt đã được quy hoạch ra khỏi khu tâm linh theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt năm 2014 (khu vực tích dấu tròn đỏ).

Trong khi đó, chủ các ki-ốt kinh doanh cho rằng: Khi làm quy hoạch, chính quyền phải bàn bạc, họp các hộ dân để tìm ra hướng hợp lý. “Nhưng họ không lấy ý kiến của dân, cách đây 3 năm chúng tôi thấy treo lên 1 cái sơ đồ nhưng dân không hiểu lắm. Gần đây khi bắt đầu thực hiện quy hoạch, người dân mới biết. Các cuộc họp sau đó chỉ mang tính chất thông báo chứ không phải lấy ý kiến nữa”, một chủ hộ kinh doanh nói.

Nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho biết: Hơn 70 ki-ốt của dân được giải tỏa và dời ra khu vực này đã được sắp đặt tương đối bài bản; các ki-ốt này chỉ bán những đồ thờ cúng phục vụ cho du khách thập phương đến cúng viếng ông Hoàng Mười.

Nói cho cùng, đây cũng là một khu vực được coi là tâm linh và nếu như khu vực này nằm như hiện nay thì có ảnh hưởng gì đến việc dịch vụ cho công việc tâm linh?

Mặt khác các công trình tâm linh để thờ phụng ông Hoàng Mười cơ bản đã được xây dựng tương đối đầy đủ, có chăng thì chỉ việc hoàn thiện thêm, làm sân vườn và đường đi lại, tạo nên một khu tâm linh mang hơi thở của du lịch.

Theo ý kiến của ông Phó Chủ tịch UBND huyện, mặc dù quy hoạch đã được công bố bằng cách treo tại khu vực tâm linh hơn 3 năm nhưng nhân dân không có ý kiến và cũng theo nhân dân thì họ cũng không được hướng dẫn một cách cụ thể về quy hoạch này nên họ không hiểu và không có ý kiến.

Trước sự khiếu nại quyết liệt của các hộ dân thì có cần xem lại quy hoạch hay không? Nếu về diện tích khu tâm linh cơ bản như hiện nay thì cũng cần nghiên cứu việc điều chỉnh quy hoạch để giữ lại khu vực ki-ốt và xây dựng khang trang, sạch đẹp để phục vụ cho việc tâm linh. Bởi diện tích này cũng chiếm một phần rất nhỏ và nằm trong khu vực tương đối hợp lý.

Nếu vì một lý do nào đó mà không thể thay đổi được quy hoạch thì cũng cần một lần nữa họp các hộ dân công khai giải thích quy hoạch để nhân dân biết và góp ý kiến để tìm ra một phương án tốt nhất.

Ông Phạm Gia Yên cũng chia sẻ: Đã đến lúc UBND tỉnh Nghệ An, Sở Xây dựng cùng các cấp ngành liên quan của huyện Hưng Nguyên cần sớm nghiên cứu những thắc mắc của dân, những hợp lý và bất hợp lý của quy hoạch, mạnh dạn điều chỉnh để đảm bảo việc xây dựng khu tâm linh thuận lợi (có lẽ chủ yếu là trồng cây và làm sân vườn đi lại), tìm ra tiếng nói chung nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người dân buôn bán nơi đây cũng như quy hoạch vẫn được thực hiện theo chỉ đạo của các cấp ngành.

Quang Hợp


baoxaydung.com.vn