Mấy ngày gần đây, trên địa bàn từ tổ dân phố 17 đến tổ 22 cụm dân cư Bắc Lãm 8, Bắc Lãm 9, phường Phú Lương, quận Hà Đông một số người dân tự ý đứng ra kêu gọi “đòi đường dân sinh”, quyên góp tiền và tự ý thi công, san đường trên diện tích đất nằm trong quy hoạch dự án đã thu hồi, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Không phải “đường giao thông từ ngàn đời”
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số người dân tự ý thi công, san đường trên diện tích đất giao thông nội đồng nằm trong quy hoạch dự án đã thu hồi, GPMB, trong phạm vi Dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5.
Người dân tụ tập đông người và làm đường trái phép tại Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5.
Sáng 19/4, khi phóng viên Kinh tế & Đô thị tiếp cận khu vực, người dân vẫn tụ tập đông người, dùng xe tải chặn từ ngoài đầu đường vào, thuê máy móc đào bới, san lấp. Phần đường mà các hộ đang tự ý thi công, san lấp nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5. Theo quan sát của phóng viên, có nhiều người già và trẻ em bị lôi kéo vào vụ việc này. Những người dân cho rằng, đây là tuyến “đường giao thông từ ngàn đời” nên chúng tôi phải bảo vệ.
Phóng viên đã làm việc với cơ quan chức năng của quận Hà Đông và được biết: Khu vực này trước đây là đường mương tưới của Trạm bơm Bắc Lãm. Người dân Bắc Lãm thường đi từ làng ra cánh đồng. Đây là con đường nội đồng, có bề ngang rất nhỏ, chủ yếu phục vụ việc đi lại đồng áng của người dân Bắc Lãm. Nay con đường này được quy hoạch một phần nằm trong Khu đô thị Thanh Hà. Đường chia làm 2 đoạn: Đìa trục và đường kênh. Khi thu hồi để triển khai Dự án Khu đô thị mới Thanh Hà, phần lớn con đường này nằm trong đất Dự án bao gồm toàn bộ đường kênh và 1 phần đường đìa trục.
Do là đất công nên kinh phí bồi thường hỗ trợ đất trên đoạn đường này thuộc ngân sách. Tiền bồi thường, hỗ trợ đối với các công trình, vật kiến trúc như: Cống nổi, bể, trạm bơm… đã được chuyển về 2 Hợp tác xã Bắc Lãm và Vạn Xuân đúng quy định của Nhà nước. Như vậy, đoạn đường này đã được bồi thường, hỗ trợ theo quy định, không phải là trục “đường giao thông từ ngàn đời” như một số người đang kích động tuyên truyền.
Để tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, năm 2015, do Khu đô thị Thanh Hà chưa thực hiện san nền. Nhận thấy nhu cầu đi lại, chở hàng hóa của người dân ra đường trục phía Nam là rất lớn nên cấp ủy, chính quyền cùng chi hội người cao tuổi Bắc Lãm 8 và 9 đã vận động người dân thực hiện xã hội hóa đổ đường bê tông rộng khoảng 1,5m và thống nhất quan điểm là mượn tạm của Dự án Thanh Hà, khi nào Dự án xây dựng sẽ không đòi bồi thường hỗ trợ.
Năm 2018, chủ đầu tư Dự án đã tiến hành san nền thực hiện các hạng mục công trình. Chủ đầu tư đã san gạt tạo thành một con đường rộng để xe tải nhỏ, xe máy của người dân có thể đi từ làng Bắc Lãm, qua đường đìa trục lên khu đất dịch vụ Xê - Nam Ninh và ra đường 42m, tạo điều kiện cho người dân đi lại. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu được vấn đề này đã tự ý lôi kéo, tụ tập đông người nhằm gây áp lực với chính quyền để đòi giữ đường.
Nhiều hành vi vi phạm pháp luật
Thực tế, nếu không có tuyến đường này và không có sự cản trở của người dân thì chủ đầu tư đã hoàn thành nhiều tuyến giao thông nội bộ khu Dự án, người dân Bắc Lãm có thể đi lại, chuyên chở hàng hóa thuận tiện hơn. 2 năm vừa qua, một số hộ dân thường xuyên cản trở chủ đầu tư thi công dự án, lấy đá chặn đường gây sức ép để đòi mức giá bồi thường cao. Khi không được, một số đối tượng đã lôi kéo, đứng ra kêu gọi đòi “con đường dân sinh”, cố ý thi công, san lấp lại con đường nội đồng với chiều dài khoảng 800 m thuộc đất Dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5. Khi tiến hành san gạt con đường, họ đã dùng ống cống lớn chặn các đầu đường đi qua Dự án, không cho người dân đi lại mà “ép buộc” phải đi vào phần đường mà họ đã san gạt.
Hiện nay, nhóm người này đang dùng chiêu bài lợi dụng người cao tuổi để đứng ra kêu gọi ủng hộ tiền làm đường, lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân để thu tiền không đúng quy định. Toàn bộ 800m đường mà họ chuẩn bị thu tiền của dân để đổ bê tông thuộc quy hoạch dự án, trong đó có hồ điều hòa, nên không được đền bù. Như vậy, tiền của và công sức của nhân dân đổ vào đó sẽ trở thành lãng phí, vô ích.
Nghiêm trọng hơn, một số đối tượng lôi kéo trẻ em vào việc này, ép học sinh nghỉ học. Đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục của các em. Theo Mục 2, Điều 7, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, quy định: Nghiêm cấm các hành vi “Dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi”; cũng tại Điều 7, Mục 8 cấm các hàng vi “Cản trở việc học tập của trẻ em”…
Như vậy, một số đối tượng đang lợi dụng, kích động người dân thực hiện những hành vi trái với quy định của pháp luật, đó là lấn chiếm đất không phải của riêng mình; tụ tập đông người, lôi kéo người già, trẻ em tham gia đang gây mất an ninh trật tự tại địa phương, gây lãng phí tiền của, sức lao động; vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Chính quyền sẵn sàng đối thoại
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện quận Hà Đông cho biết: Công tác bồi thường GPMB tại Dự án đã được tiến hành theo quy định của Nhà nước. Mọi vướng mắc liên quan đã được chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan giải quyết theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, hiện nay các hộ dân có khiếu nại, kiến nghị nhưng lại không thực hiện đúng theo quy trình khiếu nại, tố cáo. Việc tự ý tụ tập đông người, kích động, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông tại địa phương là vi phạm pháp luật. Việc tổ chức làm đường, xây dựng công trình phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Tự ý xây dựng, làm đường khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cho phép cũng cần xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.
Đại diện quận Hà Đông cho biết: Hiện nay, quận đã tạm đình chỉ mọi hoạt động thi công của chủ đầu tư và nhà thầu tại Dự án. Quận sẵn sàng đối thoại với người dân để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của người dân trong thẩm quyền cho phép. Những nội dung nào vượt quá thẩm quyền, quận sẽ đề nghị cấp đủ thẩm quyền giải quyết đúng theo quy định. Mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, nếu quyền lợi bị xâm hại thì có quyền yêu cầu pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, cần phải tuân thủ các quy trình, quy định của pháp luật, không hùa theo những việc làm coi thường pháp luật của một số đối tượng cơ hội, vì lợi ích riêng.