Nga có thể sẽ chi 35 tỷ ruble (khoảng 540 triệu USD cho dự án số hóa thuộc khuôn khổ Dự án quốc gia “Thành phố thông minh,” nhằm nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thành phố.
Nga đang muốn phát triển thành phồ thông minh. (Nguồn: MTS)
Nga có thể sẽ chi 35 tỷ ruble (khoảng 540 triệu USD) từ nguồn ngân sách liên bang cho dự án số hóa thuộc khuôn khổ Dự án quốc gia “Thành phố thông minh,” nhằm chuyển đổi và tự động hóa các quá trình và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống cơ sở hạ tầng thành phố.
Khoản chi trên tương đương gần 15% tổng kinh phí đầu tư 238,7 tỷ ruble của Dự án “Thành phố thông minh” được Nga khởi động từ năm 2018. Đối tượng của dự án này là các thành phố có trên 100.000 dân. Dự án nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành phố, xây dựng hệ thống quản lý hiệu quả, tạo điều kiện an toàn và thuận lợi cho đời sống người dân. Dự án được thực hiện dựa trên 5 nguyên tắc then chốt: Định hướng tới con người; Tính chất thiết kế cho sản xuất của hạ tầng thành phố; Chất lượng quản lý tài nguyên cao; Môi trường thuận tiện và an toàn; Trọng tâm vào hiệu quả kinh tế.
Công cụ chính để thực hiện các nguyên tắc trên là áp dụng rộng rãi các giải pháp số hóa và kỹ thuật tiên tiến trong hạ tầng thành phố và dân sinh. Cho đến nay, Bộ Xây dựng Nga đã phê chuẩn tiêu chuẩn của “thành phố thông minh” và thành lập ngân hàng các công nghệ đã được thử nghiệm trong thực tế, bao gồm ứng dụng di động cho người dân và quản lý công ty, sân chơi trẻ em và đường dành cho xe đạp thông minh, “đèn đường trên mặt đất,” thùng rác ngầm v.v.
Tính đến tháng 3/2019, Bộ Xây dựng Nga đã phê chuẩn đơn xin tham gia thí điểm công nghệ “thành phố thông minh” của 7 thành phố của 4 tỉnh, trong tổng số 40 đơn. Trong khuôn khổ dự án, các thành phố hiện đang xây dựng kế hoạch số hóa các quá trình đến năm 2024. Ví dụ, lộ trình của thành phố Volgograd với chi phí 55 triệu ruble bao gồm triển khai hệ thống giao thông thông minh, mô hình điện tử trong thu gom và xử lý rác, ứng dụng trực tuyến để tiến hành các cuộc họp tổ dân cư v.v. Một số dịch vụ cũng đã được triển khai tại các thành phố thử nghiệm.
Chẳng hạn, các tòa nhà chung cư cao tầng của thành phố Yugra được trang bị 2.000 camera giám sát IP công nghệ đám mây; các sân tập thể thao của thành phố Khanta-Mansiisk được nối mạng hệ thống chiếu sáng thông minh; 3.800 cột đèn “thông minh” tiết kiệm điện được lắp đặt tại thành phố Kirov.
Dự án “Thành phố thông minh” đặt mục tiêu từ nay đến năm 2024: Tăng chỉ số thông minh (IQ) trung bình của các thành phố lên 30%; 60% người dân trên 14 tuổi được tiếp cận với công nghệ kỹ thuật số để tham gia bỏ phiếu về các vấn đề phát triển thành phố;15% công ty quản lý quỹ nhà ở và các công ty cung cấp tài nguyên nhiệt sưởi, nước, áp dụng hệ thống điều phối tự động; 80% các tòa nhà chung cư được nối mạng hệ thống tự động hóa tính toán các tài nguyên dân sinh có chức năng truyền dữ liệu từ xa./.