Nên cho đấu giá “đất vàng” để tránh thất thoát

Thứ ba, 28/03/2017, 08:53 GMT+7

Theo các chuyên gia, chỉ có cho thuê hoặc đấu giá “đất vàng” mới có thể tránh thất thoát tài sản nhà nước ở các doanh nghiệp cổ phần hóa.

Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định mới về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần (thay thế cho Nghị định 59/2011, Nghị định số 189/2013 và Nghị định số 116/2015). Trong đó, một nội dung đáng chú ý là “Xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hóa được tăng cường bảo đảm ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước”.

Dự thảo cũng tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể mà UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố, doanh nghiệp có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Theo một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, dự thảo nghị định đã quy định rõ các công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của doanh nghiệp theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ phần diện tích đất đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Nếu công ty cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất cũng như thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

nen-cho-dau-gia-dat-vang-de-tranh-that-thoat
Khu “đất vàng” tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, Tp.HCM (trụ sở cũ của Công ty XSKT Tp.HCM) vừa được đấu giá thành công với trị giá 1.430 tỉ đồng so với giá khởi điểm là 558 tỉ đồng. Ảnh: Tấn Thạnh

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM nhìn nhận: chuyện đấu giá đất đai của doanh nghiệp nhà nước có nhiều vấn đề phải bàn tính. Trên thực tế, tài sản của doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa đa phần là đất. Nếu không có tài sản này thì khó có thể hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, đất đai nếu để mãi ở doanh nghiệp nhà nước mà không được cổ phần hóa thì cũng không thể trở thành “đất vàng”. Nó chỉ thành “đất vàng” khi các tổ chức tư nhân trong và ngoài nước rót tiền đầu tư. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp nhà nước có công ty con đã liên doanh với các công ty khác gây khó khăn trong việc tách phần đất ra để định giá, thay vào đó phải định giá thông qua giá trị sổ sách. “Đây cũng chính là khe hở có thể gây thất thoát tài sản nhà nước nhưng lại khó quản lý”, TS Chí nhận định.

Một ví dụ 'nóng hổi' là chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam gần đây: thương hiệu gần 60 năm của hãng được xác định bằng 0; hàng ngàn mét vuông đất tại các vị trí đắc địa cũng không được tính vào giá trị doanh nghiệp (gồm trụ sở hãng phim đặt tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội với diện tích sử dụng đất gần 5.500 m2; khu chứa đạo cụ rộng hơn 900m2 đất trên phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội; khu đất rộng 6.382m2 của đoàn xe và quản lý tại huyện Đông Anh, Hà Nội; trường quay phim rộng hơn 1.200m2 tại số 6, Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, Tp.HCM)...Thực tế này khiến giới nghệ sĩ điện ảnh kỳ cựu vô cùng bức xúc.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, có thể nói tham nhũng về đất đai là rất lớn, nhất là các loại 'đất vàng', 'đất kim cương' của nhà nước được bán chỉ định hoặc đưa vào cổ phần. Trước đây, việc định giá đất theo khung quy định là sai nghiêm trọng vì giá đất chỉ bằng 20-30% giá thị trường. Giá này còn tùy thuộc đất được sử dụng vào mục đích gì, xây bao nhiêu, sẽ rất có lợi nếu hệ số sử dụng đất cao. Chẳng hạn, khi giao đất là thương mại 10 tầng thường sẽ có giá thấp hơn nhiều lần so với đất là căn hộ 30 tầng, thế là doanh nghiệp lại chạy quy hoạch để xây thêm tầng, hưởng lãi lớn thêm. “Theo tôi, nhà nước không nên cổ phần hóa đất mà chỉ cho thuê. Nhà nước chỉ cần quy định chỉ tiêu quy hoạch khu đất này, hệ số sử dụng đất tầng cao và mục đích, sau đó đấu giá công khai. Cách làm này tránh cổ phần hóa đất và bán chỉ định. Bài học về khu đất vàng tại số 23 Lê Duẩn (quận 1, Tp.HCM) vẫn còn đó, với giá trị đấu giá cao hơn nhiều lần giá khởi điểm. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ chủ trương này của nhà nước” - ông Đực phân tích.

Theo NLD