Một đoạn đường chục tòa cao ốc: Bộ Xây dựng cần tự nhìn lại!

Thứ ba, 15/08/2017, 16:56 GMT+7

Những bất cập, tồn tại trong quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch ở các đô thị không phải là câu chuyện mới, nhưng đây lại là một trong những vấn đề nổi cộm, chưa bao giờ hết nóng và luôn được nhiều chuyên gia góp ý….

Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra từ 10 đến 18/8, đáng chú ý, ngày mai 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề: Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị. Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…. hàng loạt sai phạm tại công trình, dự án bất động sản vẫn hàng ngày diễn ra khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực trong công tác giám sát, quản lý.

"Một đoạn đường hàng chục tòa cao ốc" là tình trạng không còn hiếm lạ gì tại các thành phố lớn. Hà Nội có đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương, khu đô thị Linh Đàm đang trở thành những điểm nóng về mật độ cao ốc, chung cư. Kèm với đó, tình trạng xây dựng sai phép, tự ý nâng chiều cao diễn ra phổ biến. Vấn đề “nhồi” cao ốc vào nội đô, điều chỉnh nâng tầng ở các dự án nhà ở khiến tăng mật độ dân số, gây quá tải hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội… đang đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đối với các nhà quản lý ngành xây dựng và chính quyền các địa phương hiện nay.

mot-doan-duong-chuc-toa-cao-oc-bo-xay-dung-can-tu-nhin-lai-1
Vẫn còn nhiều câu hỏi cho công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị.... của ngành xây dựng.

Trong Quy hoạch (QH) chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có yêu cầu khống chế mật độ dân số các quận trung tâm và giảm dần đến năm 2050. Điều này có nghĩa, phải hạn chế phát triển dự án mới, hạn chế chiều cao của các tòa chung cư.

Hàng loạt vấn đề nổi cộm khác mà khi trao đổi với PV Infonet, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội đã nêu ra như thiếu sự đồng bộ giữa các loại QH.

Quốc hội đang xem xét để tiến tới thông qua Luật QH, nhưng hiện nay trong nghiên cứu dự thảo luật chưa thỏa mãn được tính khoa học và thực tiễn nên rất cần xây dựng xác định lại hệ thống QH để đảm đảm bảo sự đồng bộ giữa các ngành với nhau. Tuy nhiên cần chú trọng và nâng cao đến QH xây dựng bởi đây là QH có từ rất lâu ở Việt Nam và QH xây dựng tổ chức không gian sẽ quyết định nhiều chuyên ngành khác.

“Hiện nay làm kế hoạch thì có nghiên cứu QH nhưng đôi khi trong công tác kế hoạch lại tùy thuộc vào nhiều vấn đề như ngân sách, các vấn đề đời sống của xã hội chưa chú trọng đến phân đợt trong các QH ra để hoàn thiện được. Muốn phát triển các đô thị mới thì phải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của đô thị. Hiện nay giữa kế hoạch và QH còn thiếu sự gắn bó đồng bộ với nhau. QH là định hướng nhưng QH cũng phải xác định được nguồn lực thực hiện như thế nào thì hiện nay đang là vấn đề khó”, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Vấn đề phổ biến công khai các QH hiện nay, ông Nghiêm cho hay, tất cả các quy hoạch được phê duyệt , được xem là căn cứ pháp lý nhưng mà có phổ biến lấy ý kiến người dân không, công bố rộng rãi để người dân giám sát thực hiện QH không thì khâu này còn thiếu các biện pháp hữu hiệu, khiến người dân không biết QH và không xác định được phân đợt QH thế nào nên mới có chuyện lộ QH là lập tức các nhà đầu tư “thổi giá” đất lên ngay.

Ông Nghiêm dẫn chứng, năm 2003 chúng ta đã cho mở đường Nguyễn Tuân và cho các dự án nhưng đến nay chưa làm đường nhưng đã có dự án khai thác nên gây ùn tắc nên đường không mở để đáp ứng các dự án.

Còn TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng nhận xét thẳng: Công tác QH đô thị có nhiều hạn chế, năng lực tổ chức QH yếu kém.

Dẫn ý kiến đánh giá của một số chuyên gia ngân hàng thế giới tại một tài liệu đánh giá về đô thị ở Việt Nam, ông Liêm cho hay, ông rất đồng quan điểm trước đánh giá: QH đô thị Việt Nam xa rời thực tiễn xã hội, xa rời nhu cầu của người dân và thị trường. Người làm QH cứ muốn phát triển đô thị theo ý tưởng, theo các vấn đề kỹ thuật của mình. Đây là nhược điểm lớn nhất hiện nay.

Ngoài ra, ông Liêm cho rằng, tổ chức thực hiện QH với năng lực tổ chức còn yếu kém, cộng thêm ở chỗ này, chỗ kia còn có vấn đề lợi ích nhóm nên QH hiện nay cứ “chạy” theo dự án chứ không phải QH chỉ đạo các dự án.

“Trách nhiệm của Bộ Xây dựng cần nhận rõ nhược điểm cơ bản của của mình mà thay đổi từ gốc đến ngọn. Cần thay đổi cách làm việc theo “tư duy cũ” từ thời bao cấp, không phù hợp với kinh tế thị trường, không chuyển đổi được kịp”, ông Liêm nói.

Theo Infonet