Nhu cầu tìm mặt bằng kinh doanh đang dịch chuyển sang các loại hình nhà trong hẻm vì có vỉa hè thông thoáng khiến nhà mặt phố giảm sút về cả nhu cầu giao dịch và giá thuê.
Theo nguyên tắc thẩm định giá bất động sản, giá nhà mặt đường luôn cao hơn các vị trí trong hẻm tối thiểu 25-30%. Tùy vào căn nhà có một hay hai mặt tiền mà giá trị tài sản có thể tăng theo cấp số nhân. Ngoài ra, nhà phố có mặt tiền, diện tích vỉa hè càng lớn thì giá càng cao. Vì vậy, giới kinh doanh buôn bán đều ưa chuộng thuê nhà phố thuộc loại hình này để kinh doanh. Thực tế, chỉ các quán hàng nhỏ, mới khởi nghiệp hoặc kinh doanh online mới ưa chuộng nhà phố hẻm vì không cần trưng bày thương hiệu nổi bật.
Tuy nhiên, gần đây nhà phố mặt đường đang gặp khó khăn khi nhu cầu thuê giảm mạnh, giá thuê cũng bị ảnh hưởng. Nhiều hộ kinh doanh có xu hướng chuyển vào các hẻm rộng thay vì tranh nhau vị trí mặt đường như trước đây.
Chị Đỗ Thu Nguyệt, quản lý cửa hàng thời trang trên tuyến Nguyễn Trãi (Q,1) cho biết, khu vực vốn là kinh đô thời trang này thời gian qua rất vắng khách. Vỉa hè trước đây trưng dụng làm nơi gửi xe nay không được sử dụng, quanh khu này cũng không có khu vực giữ xe nào khác nên lượng khách giảm rõ rệt, thay vào đó hầu hết người mua chọn vào các TTTM. Thiếu chỗ đậu xe là nguyên nhân trực tiếp khiến khách quen không còn ghé cửa hàng, kinh doanh giảm rõ rệt. Chị Nguyệt cho biết, dù chủ nhà sẵn sàng giảm gần 20% giá thuê nhưng công ty mẹ vẫn có ý định đóng cửa chuỗi cửa hàng trên tuyến đường này do chi phí thuê cao trong khi doanh số giảm sút.
Không khá hơn chị Nguyệt, ông Trấn chủ quán ăn trên đường Cống Quỳnh (Q,1) cũng phải chấp nhận bỏ thêm chi phí, thuê nguyên một mặt bằng trong hẻm gần đó làm nơi đỗ xe cho khách sau khi thương lượng với chủ nhà giảm giá thuê xuống 15%. Tương tự, hàng loạt các quán cà phê, ăn uống, mua sắm trên tuyến đường này cũng rơi vào cảnh khó vì không biết đào đâu ra bãi đỗ xe cho khách hàng. Kinh doanh ế ẩm, nhiều cửa hàng cho biết, chủ nhà đã có động thái thương lượng giảm phần nào giá thuê để giữ chân. Bên cạnh việc trưng dụng các con hẻm gần đường chính làm nhà xe tự phát, không ít hộ kinh doanh buộc phải đàm phán lại giá thuê để cân bằng ngân sách bỏ ra khi phải mướn bãi giữ xe.
Sau khi bị "đòi" vỉa hè, nhiều ngôi nhà mặt phố cho thuê
bị giảm giá trị. Ảnh minh họa. Nguồn: dantri
Chị Thu Thủy, chủ một cửa hàng cây cảnh trên đường Võ Thị Sáu, Q,3 cho biết, vỉa hè tuyến đường này vốn hẹp, chỉ đậu được 3 - 4 xe, giờ không được sử dụng, khách muốn vô mua cũng ko biết dừng ở đâu. Không muốn bỏ chỗ thuê này vì vị trí đẹp, khách nhiều nên chị đành chấp nhận thuê thêm một mặt bằng trong hẻm gần đó để giữ xe cho khách. Nhưng cuối cùng, tiền thuê thêm mặt bằng, thuê người trông xe khiến tổng chi phí đội lên quá nhiều, chị đành phải trả mặt bằng, chuyển vào khu vực khác dù chủ nhà đã có ý giảm giá thuê hơn 3 triệu/tháng.
Rõ ràng nhà phố mặt đường bỗng dưng mất giá chỉ vì một lý do đơn giản là không kiếm được chỗ đậu xe. Anh Nguyễn Vĩnh Phú, một môi giới nhà phố tại quận 1 cho biết, từ đầu tháng 3 tới nay, nhu cầu tìm mua, thuê nhà phố luôn đi kèm yêu cầu có vỉa hè rộng, nhà gần các bãi giữ xe tư nhân, các hẻm rộng. Giá thuê những căn này vì vậy được thể tăng khá mạnh, từ 7-10%. Nhiều căn có khoảng sân, vỉa hè rộng giá tăng từ 15-20% là bình thường. Các căn nhà phố mặt đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Trỗi … nhu cầu tìm thuê giảm rõ rệt, giá chào thuê thấp hơn so với tháng trước đó ít nhất 7-10%. Nhiều hộ kinh doanh đang tìm cách liên kết với các tòa nhà văn phòng, TTTM trên cùng khu vực để thuê chỗ giữ xe. Hình thức này cũng khả thi nhưng lại chỉ phù hợp cho các dịch vụ ăn uống, còn các hoạt động mua bán không tốn nhiều thời gian khó áp dụng phương thức này. Thậm chí một số showroon lớn không có tầng hầm giữ xe rộng, nhà xe riêng, khách giao dịch giảm mạnh, giá chào thuê cũng rục rịch giảm so với tháng trước.
Trong khi nhà cho thuê mặt đường lớn gặp khó, nhiều căn liền kề trong các hẻm liên thông tuyến đường lớn lại ăn lên làm ra. Ông Phạm Phú Thứ, chủ một căn hộ trong con hẻm tiếp giáp đường Nguyễn Đình Chiểu (Q,3) cho biết, ông vừa cho 1 quán cà phê gần đó thuê lại tầng trệt và khuôn viên trước nhà làm chỗ giữ xe với giá 10 triệu/tháng. Trước đó mặt bằng này từng được một cửa hàng mỹ phẩm xách tay thuê lại với giá chỉ 7 triệu/tháng. Một số cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đã chuyển hướng sang thuê mặt bằng trong hẻm rộng nhằm thuận lợi kinh doanh và không bị để ý nhiều. Giá thuê mặt bằng trong các tuyến hẻm trên đường Đặng Dung (Q,2), Sư Vạn Hạnh (Q,10), Nguyễn Trãi (Q,1)…tăng từ 3 -4 triệu/tháng nhưng vẫn có khá nhiều khách tìm thuê.
Theo chuyên gia BĐS Nguyễn Tấn Phong, việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ tuy gây ra không ít khó khăn cho các hộ kinh doanh mặt đường nhưng đây là động thái đúng của nhà nước. Trước đây văn hóa kinh doanh vỉa hè đã trở nên quen thuộc và được mặc định như điều hiển nhiên nhưng nó vốn là hoạt động kinh doanh trái phép. Vì vậy việc chấn chỉnh là chuyện sớm muộn và các hộ kinh doanh buộc phải tìm cách thích ứng chứ không thể bị động chờ đợi. Do đó ông Phong khuyên, trước khi tìm thuê một địa điểm kinh doanh, nhà đầu tư nên chú ý khảo sát khu vực thuê trong bán kính 100m đổ lại có diện tích trống nào để bao tiêu cho dịch vụ trông giữ xe không? Người thuê cũng có thể chấp nhận sử dụng 1 phần diện tích thuê để làm nơi trông giữ hoặc liên kết với các bãi giữ xe trong khu vực để tránh tình trạng kinh doanh khách đến mà không thể vào.
Theo Tuổi trẻ online