Luật số 69/2014/QH13: Còn nhiều bất cập

Thứ ba, 21/05/2019, 14:45 GMT+7

Quá trình thực hiện Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN (Luật số 69/2014/QH13) của Bộ Xây dựng cho thấy bất cập tập trung liên quan đến giám sát tài chính và phương thức giám sát tài chính.

Khó giám sát tài chính

Việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN hiện tại được quy định tại nhiều văn bản Luật như: Luật số 69/2014/QH13, Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Chứng khoán. Bộ Xây dựng cho biết, có sự mâu thuẫn, không thống nhất về cách hiểu, định nghĩa giữa các đạo luật này, chẳng hạn như khái niệm về vốn Nhà nước đầu tư vào DN, khái niệm DN Nhà nước, vốn của DN Nhà nước đầu tư ra ngoài DN, việc góp vốn Cty con để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh, quy định về thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng...

Công tác giám sát đối với DN có vốn đầu tư của Nhà nước tuy có sự phân công, phân cấp nhưng hiệu quả công tác giám sát chưa cao, đặc biệt là đối với các DN có phần góp vốn không chi phối. Kết quả giám sát xếp loại DN chưa thực sự có tác động để nâng cao trách nhiệm trong quản lý điều hành DN và hiệu quả sử dụng vốn đối với DN, chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp kịp thời, đầy đủ những thông tin về hoạt động kinh doanh và hiệu quả của DN.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện giám sát tài chính của Bộ Xây dựng còn một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác tổng hợp và lập báo cáo kết quả giám sát tài chính của một số DN gửi về Bộ Xây dựng chậm dẫn đến tiến độ Bộ Xây dựng tổng hợp và gửi Bộ Tài chính chậm so với thời gian quy định. Nguyên nhân chủ yếu là do các DN hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, đầu tư kinh doanh BĐS trải dài tại nhiều địa phương trên cả nước nên công tác quyết toán và lập báo cáo tài chính định kỳ còn chậm; Thời gian từ khi hoàn thành lập báo cáo tài chính của DN theo quy định của Luật Kế toán đến thời hạn cơ quan chủ sở hữu tổng hợp, lập Báo cáo giám sát tài chính gửi Bộ Tài chính chỉ có khoảng 1 tháng, trong đó bao gồm cả thời gian DN lập Báo cáo giám sát tài chính gửi Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, phương thức giám sát tài chính đối với DN có vốn Nhà nước phát huy hiệu quả chưa cao. Việc giám sát tài chính thực hiện gián tiếp thông qua báo cáo định kỳ, đột xuất hoặc theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu do người đại diện vốn Nhà nước tại DN báo cáo (đối với DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) và các báo cáo định kỳ của người đại diện vốn nhà nước tại DN (đối với DN do Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ). Do đó, khó để nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, tài chính của DN và phụ thuộc nhiều vào thông tin báo cáo của người đại diện phần vốn.

Cần thống nhất định nghĩa nguồn vốn

Theo Bộ Xây dựng, quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên đã được đề cập tại các Luật (Luật số 69/2014/QH13, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công) căn cứ vào loại nguồn vốn sử dụng. Tuy nhiên, các định nghĩa về các nguồn vốn hiện nay chưa đầy đủ, thống nhất dẫn đến khó khăn trong việc hiểu và áp dụng đúng theo quy định, ví dụ khái niệm “vốn Nhà nước”, “vốn ngoài ngân sách Nhà nước”, “vốn của DN Nhà nước đầu tư ra ngoài DN”, “vốn khác”… Do vậy, để thuận tiện trong áp dụng, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị xem xét quy định thống nhất về định nghĩa các loại nguồn vốn.

Quy định tại Điểm b, khoản 3, Điều 28, Luật số 69/2014/QH13 về góp vốn cùng Cty con để thành lập Cty cổ phần, Cty TNHH hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh nên điều chỉnh lại theo hướng chỉ cấm Cty mẹ, Cty con cùng góp vốn để thành lập pháp nhân mới và không hạn chế việc góp vốn thực hiện hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng kinh tế.

Quy định tại Điều 24, Luật số 69/2014/QH13, Mục 1 về thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định của DN cần được nghiên cứu, sửa đổi theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng hơn tránh sự hiểu khác nhau về phạm vi áp dụng, phân cấp thẩm quyền quyết định. Quy định như hiện tại gây lúng túng trong áp dụng, có trường hợp hiểu rằng, chỉ các dự án đầu tư xây dựng, mua, bán để hình thành lên tài sản cố định mới phải áp dụng quy định này.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần xem xét, nghiên cứu quy định thời gian nộp báo cáo về tình hình tài chính của các DN cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, đảm bảo cơ quan đại diện chủ sở hữu có đủ thời gian tổng hợp và lập Báo cáo 6 tháng về giám sát tài chính gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/9 của năm báo cáo và Báo cáo giám sát tài chính năm gửi Bộ Tài chính trước ngày 30/6 của năm tiếp theo. Xem xét áp dụng phương pháp giám sát tài chính đối với DN có vốn Nhà nước, đặc biệt đối với DN do Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ.


Cao Nga/baoxaydung.com.vn