Quanh sân bay Long Thành được quy hoạch khoảng 72ha cho khu dịch vụ thương mại, khách sạn và hàng trăm ha xây khu công nghiệp hàng không.
Ngày 19/10, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết, nếu tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội thông qua báo cáo khả thi dự án sân bay Long Thành và cuối năm nay được Chính phủ phê duyệt dự án, ACV sẽ đấu thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật vào năm tới.
Tỉnh Đồng Nai đã cam kết tiến hành hoàn thành giải phóng mặt bằng chậm nhất tháng 10/2020, để đầu năm 2021 có thể khởi công sân bay Long Thành, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Ông Thanh cho biết, quy mô giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có công suất 25 triệu hành khách, song công nghệ và tiện ích sẽ tương đương sân bay T4 Changi (Singapore) và Incheon (Hàn Quốc) hiện nay và tiếp tục cập nhật các công nghệ mới của thế giới.
Đặc biệt, ngoài hệ thống nhà ga, khu bay với mục tiêu là sân bay trung chuyển lớn của khu vực, sân bay Long Thành được quy hoạch đủ diện tích đất 5.000 ha để phát triển thành một thành phố sân bay hiện đại, phát triển các dịch vụ hàng không, phi hàng không đầy đủ. Đây sẽ là khu mở để các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư.
"Mô hình thành phố sân bay là xu hướng của thế giới. Tôi thấy rất thu hút các nhà đầu tư tham gia", ông Lại Xuân Thanh nói.
Phối cảnh nhà ga, sân bay Long Thành.
Theo ông Thanh, thành phố sân bay lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông thuận tiện như một đô thị, nhưng không phát triển về khu dân cư. Hành khách đến cảng hàng không đó có thể dự hội nghị, gặp gỡ, mua sắm mà không cần phải vào thành phố.
Trả lời câu hỏi về ACV còn thiếu kinh nghiệm đầu tư các cảng hàng không lớn, ông Lại Xuân Thanh cho rằng, quan trọng nhất đối với đầu tư sân bay là có nguồn lực và bộ máy quản lý dự án có kinh nghiệm. ACV đã có kinh nghiệm đầu tư quản lý các dự án nhà ga và cảng hàng không mới như Phú Quốc, Cần Thơ, nhà ga T2 Nội Bài. Đồng thời, doanh nghiệp này đã chuẩn bị nguồn vốn giai đoạn 2019-2025 khoảng 71.000 tỷ đồng để đầu tư, phát triển các cảng hàng không khác. Trong đó, dành khoảng 13.000 tỷ cho sân bay Long Thành, cộng với số tiền ACV hiện có là khoảng gần 25.000 tỷ đồng, dự kiến vốn của ACV chiếm khoảng 37- 40% tổng vốn đầu tư sân bay Long Thành, còn lại sẽ vay vốn ưu đãi.
Theo báo cáo khả thi, giai đoạn 1 sân bay Long Thành bao gồm xây dựng một đường cất hạ cánh; một nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ. Tổng mức đầu tư dự kiến là 111.689 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,7 tỷ USD.
Diện tích đất để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến khoảng 1.165ha. Trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Tư vấn đã kiến nghị mở rộng phạm vi xây dựng giai đoạn lên 1.810ha để xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu khai thác tối thiểu giai đoạn 1 của Cảng.
Chính phủ cũng đã thống nhất đề nghị Quốc hội giao cho ACV đầu tư, khai thác sân bay Long Thành. Hiện tại nhà nước đang chiếm tới 95% vốn tại ACV và tổng công ty này cũng đang quản lý và khai thác tới 21/22 sân bay trên toàn quốc. Cũng theo đánh giá của Chính phủ, ACV đã chuẩn bị, cân đối được khoảng 37% tổng vốn để thực hiện dự án, phần còn lại sẽ huy động của các tổ chức tín dụng.