Kính gửi
Tôi có mảnh đất hoang chưa có giấy tờ, đã sử dụng lâu năm (phần lớn trồng cây tràm, một phần nhỏ trông hoa màu). Vị trí nhà ở cách đường Quốc lộ 1A 16m, thuộc khu vực nông thôn. Tháng 4 năm 2014, tôi xây dựng ngôi nhà cấp 4. Đến tháng 12 năm 2014, UBND xã có ra thông báo yêu cầu gia đình tôi tháo dỡ nhà, trả lại đất cho nhà nước. Tôi xin hỏi, việc tôi xây nhà trên đất này có hợp pháp không? Việc Nhà nước ra thông báo như vậy có đúng không?
Liệu nhà tôi có bị tháo dỡ và đất bị thu hồi không?
Hiện tại gia đình tôi đang rất lo lắng, vì không còn nhiều thời gian nữa sẽ có quyết định tháo dỡ của UBND huyện.
Rất mong quý Luật sư hỗ trợ và phản hồi sớm.
Xin chân thành cám ơn!
Kính gửi Quý bạn đọc
Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành, xin phúc đáp đến bạn như sau:
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:
Khoản 6 Điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định, sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hành vi bị nghiêm cấm.
Căn cứ khoản 1 Điều 6 và Khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai 2013, đất phải được sử dụng đúng mục đích, nhà nước nghiêm cấm việc sử dụng đất trái quy định về mục đích sử dụng. Theo thông tin bạn cung cấp, thửa đất nêu trên là đất trồng tràm và trồng cây hoa màu, do đó việc xây dựng nhà ở là dùng đất trái mục đích.
Căn cứ Nghị định 64/2012/NĐ-CP, tất cả mọi công trình xây dựng, trừ một số loại công trình đặc biệt theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 64/2012/NĐ-CP, đều phải được cấp giấy phép xây dựng trước khi khởi công. Việc xây dựng nhà ở mà không có giấy phép xây dựng là trái quy định của pháp luật.
Đối với việc xử lý công trình xây dựng trái phép, Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định:
6. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này;
8. Đối với hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7 Điều này, sau khi có biên bản vi phạm hành chính của người có thẩm quyền mà vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có).
9. Hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và Điểm b Khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Về việc thu hồi đất, cần phải căn cứ vào nguồn gốc đất trước khi gia đình bạn sử dụng, thời gian sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất hiện tại của địa phương, do không có thông tin chi tiết nên luật sư không tư vấn cụ thể. Tuy nhiên, mọi trường hợp thu hồi đất đều phải tuân thủ theo quy định của Luật Đất đai 2013, từ điều 61 đến Điều 73.
***
Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm.
* Bạn đọc vui lòng gửi nội dung được ghi bằng tiếng Việt có dấu.
Trân trọng.
Theo DiaOcOnline.vn