Lên hạng để làm gì?

Thứ ba, 21/05/2019, 14:50 GMT+7

Ngay sát Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh đang đặt mục tiêu quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương, làm tiền đề để xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2022; xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh trở thành đô thị văn hóa - sinh thái - tri thức, theo mô hình đô thị thông minh.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

TP Sơn La vừa được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sơn La.

Liên tiếp những đô thị lên hạng, những mốc phấn đấu được đặt ra để phát triển các đô thị ở Việt Nam. Đó là một dấu hiệu mừng. Tuy nhiên, nhìn lại kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, một vấn đề được nhiều chuyên gia nhìn nhận là, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực đã không đáp ứng đầy đủ cho phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Trung ương.

Thực tế, qua kiểm kê đất đai cho thấy, tại nhiều đô thị lớn, còn hàng trăm dự án để hoang hóa . Đây là một sự lãng phí lớn. Nó không chỉ khiến cho ngân sách Nhà nước bị thất thu mà còn khiến nhiều DN khác có nhu cầu về mặt bằng sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, khiến nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án không thể canh tác trên chính thửa đất của mình.

Một điểm dễ nhận thấy là, tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở một số TP lớn thời gian qua đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các nhà quản lý, đẩy nhanh mức độ ô nhiễm trong đô thị; không gian cây xanh, mặt nước, không gian giải trí, thể dục, thể thao… cũng ngày càng bị thu hẹp. Môi trường xung quanh con người trở nên ngột ngạt, khả năng tiếp xúc với thiên nhiên trong đô thị ngày càng giảm. Các không gian nghỉ ngơi, giải trí cận kề khu ở gần như biến mất.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, hàng trăm dự án tại các đô thị xây xong để hoang phế đang là một sự lãng phí lớn. Trong khi đó, trong 5 năm tới Việt Nam cần xây dựng hàng trăm nghìn căn hộ để đáp ứng nhu cầu nhà ở, sinh hoạt của người dân.

Với Bắc Ninh, tình trạng này cũng đang hiển hiện với các mảng đô thị “xây xong” rồi để yên, chưa có người ở!

Một thực tế khác được nhìn ra là, tình trạng thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng; giữa ba loại quy hoạch này còn chồng chéo, chưa thực sự trở thành một hệ thống quy hoạch thống nhất; quy hoạch các KCN, quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch các ngành chưa thống nhất và tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nhiều địa phương còn sử dụng đất chuyên trồng lúa nước để xây dựng các KCN dẫn đến nhiều hộ nông dân thiếu đất hoặc không có đất để sản xuất trong khi vẫn có thể sử dụng các loại đất khác. Riêng lĩnh vực phát triển đô thị, tất yếu kéo theo một lượng không nhỏ đất nông nghiệp bị “nuốt” mất.

Không những thế, trong quản lý hành chính, việc phân loại TP như hiện nay đang tạo ra nhiều động lực méo mó. Đặc biệt việc xếp hạng đô thị đang đẩy các TP vào những cuộc chạy đua tiêu tốn tiền của. Dễ nhìn thấy nhất là, nếu một TP được tăng hạng (về xếp loại đô thị) sẽ được rót nhiều nguồn lực hơn. Thế nên, đang diễn ra tình trạng là, có nhiều đô thị mới mọc lên, nơi không tập trung nhiều nhu cầu thật sự của dân chúng (đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực cho nâng cấp đô thị ở Việt Nam còn hạn hẹp); trong khi đó, nhiều đô thị hiện hữu đang rất cần tiền để xây dựng và cải thiện đô thị bền vững hơn.

Rõ ràng, những mâu thuẫn trong quá trình quy hoạch và sử dụng đất, đặc biệt là trong phát triển đô thị, sẽ là vấn đề nóng bỏng chưa thể có một lời giải hữu hiệu, nếu như chúng ta chưa có một sự chuẩn bị thấu đáo về mọi mặt. Đặc biệt, khi các chính sách vẫn trong giai đoạn hoàn thiện. Hơn nữa, khi đất đai còn nằm trong tay các nhóm lợi ích, khi đó, sự minh bạch về đất đai vẫn ở thì tương lai.


Ngọc Lý/baoxaydung.com.vn