Lấy ý kiến việc Vingroup, T&T nghiên cứu tiền khả thi đường sắt đô thị Hà Nội

Thứ năm, 01/02/2018, 08:27 GMT+7

VP Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, Tổng công ty Đường sắt cho ý kiến về việc giao Vingroup và T&T tự bỏ kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội theo hình thức BT, không yêu cầu bồi hoàn nếu bị loại.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đề nghị các Bộ liên quan và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho ý kiến về chủ trương giao các nhà đầu tư (Vingroup và T&T) lập đề xuất dự án đầu tư các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội ưu tiên đầu tư giai đoạn đến 2025.

Tập đoàn Vingroup - Công ty CP đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT các đoạn trên tuyến số 5 và tuyến số 2. Cụ thể, trên tuyến số 5, Vingroup sẽ đầu tư đoạn Văn Cao – Hòa lạc, dài 38,4 km, gồm đoạn 1 là Văn Cao – đường Vành đai 4 dài 15 km và đoạn 2 là đường Vành đai 4 – Hòa Lạc, dài 23,4 km. Tuyến số 2 sẽ được đầu tư đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình, dài 5,9 km.

Còn Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT tuyến số 4: đoạn Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà, dài 54 km.

lay-y-kien-viec-vingroup-t-t-nghien-cuu-tien-kha-thi-duong-sat-do-thi-ha-noi
Vingroup và T&T đề xuất tự bỏ tiền lập báo cáo nghiên cứu đầu tư đường sắt đô thị Hà Nội.

Như Thành phố Hà Nội báo cáo, sau khi kêu gọi đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, nhưng đến nay mới chỉ có hai nhà đầu là Vingroup và T&T tư chính thức đăng ký xin triển khai thủ tục đề xuất dự án với cơ chế tài chính.

Các nhà đầu tư cam kết, khi được giao nghiên cứu đề xuất dự án sẽ tự nguyện ứng vốn để triển khai. Đặc biệt, nhà đầu tư không yêu cầu được bồi hoàn lại kinh phí và sẵn sàng bàn giao lại toàn bộ hồ sơ, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án cho TP Hà Nội và đơn vị được lựa chọn để tiếp tục triển khai đầu tư. Trường hợp được chọn là nhà đầu tư chính thức, doanh nghiệp sẽ hạch toán chi phí này vào chi phí của dự án.

TP Hà Nội báo cáo và đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép UBND TP giao Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn T&T tự bỏ kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi các tuyến đường sắt đô thị theo đề xuất nêu trên, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hà Nội khẳng định sau khi được chấp thuận, thành phố sẽ yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, năng lực để thực hiện theo tiến độ; dự kiến sẽ trình Thủ tướng xem xét trong năm 2018 và báo cáo Quốc hội thông qua tại Kỳ họp cũng trong năm 2018.

Trước đề nghị trên của Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đưa ra văn bản đề nghị các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sớm cho ý kiến.

Theo Infonet