Những ngày gần đây, dư luận xã hội đang bàn luận nhiều về đề xuất bỏ việc thu phí bảo trì chung cư 2% của Sở Xây dựng TP.HCM tại một cuộc hội thảo.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Lý do được nêu ra là hiện nay, những tranh chấp quanh quỹ này là do nhiều chủ đầu tư chiếm dụng cho mục đích riêng, không minh bạch, không bàn giao cho Ban Quản trị. Cũng có trường hợp khi chuyển giao số kinh phí này thì Ban Quản trị cũng tùy tiện sử dụng không đúng mục đích…
Thì ra trăm sự là xuất phát từ lòng tham của con người, nhưng một câu hỏi đặt ra, tại sao lòng tham này ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người mà không bị pháp luật điều chỉnh?
Đọc lại hệ thống các văn bản pháp lý xung quanh vấn đề bảo trì và quỹ bảo trì chung cư thì thấy rằng có cả đấy, rất đầy đủ nữa là đằng khác. Thế nhưng không hiểu sao các cơ quan thực thi pháp luật đã bất lực trong nhiều vụ việc.
Ai đã từng ở chung cư nhiều năm mới thấy việc hình thành Quỹ bảo trì này quan trọng như thế nào trong cuộc sống thường ngày. Nào cháy máy bơm ư, nào tắc ống thoát nước ư, rồi hỏng ổ bi thang máy, rồi chống thấm chống dột…, trăm thứ bà rằn. Nếu lúc này mới đi từng hộ, rồi giải thích, rồi quyên góp… là việc không thể.
Vì thế, đối với người dân chung cư, những dịch vụ như vậy phải là ngay lập tức và chu đáo. Với nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, những dịch vụ ấy rất được tôn trọng, coi đấy là một giá trị không thể thiếu của DN mình thì cho dù quỹ ấy do ai quản lý không còn quan trọng nữa, cốt là có sự công khai, minh bạch và dân chủ.
Nay, luật pháp đã có nhưng vì sự bất lực của các cơ quan thực thi khiến lòng tham lộng hành, liền đề xuất bỏ việc hình thành cái quỹ này quả là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Về lý, Quỹ bảo trì này là thuộc sở hữu của các hộ dân. Vì vấn đề an sinh lâu dài cho người dân, pháp luật đã yêu cầu phải hình thành quỹ này trong Luật Nhà ở. Con số 2% nhìn thì có vẻ không lớn, nhưng trong thực tiễn, có tòa nhà lên tới cả trăm tỷ đồng; vài chục tỷ đồng là phổ biến.
Để ngăn chặn lòng tham, luật cũng đã quy định quỹ phải được gửi công khai tại quỹ tín dụng, và đồng thời cũng giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương giám sát vấn đề này.
Nay, “các bác” bất lực, để cho chủ đầu tư chiếm dụng và chiếm đoạt, để cho một vài Ban quản trị lộng hành, rồi “các bác” phẩy tay bảo bỏ nó đi cho đỡ rách việc, rồi dồn cái “rách việc” ấy lên cuộc sống hằng ngày của “chúng em”, liệu có nên chăng?
Nghe nói, có vụ án chỉ cướp có mấy chiếc bánh mì mà bị tòa xử cho tối mắt tối mũi. Nay có những kẻ định cướp cả chục tỷ, trăm tỷ của Quỹ bảo trì chung cư, chẳng lẽ pháp luật không thể ra tay?