Làm 1 lèo hay từng chặng
Bạn đọc Vandunem đồng ý phương án làm giai đoạn 1 đầu tư toàn tuyến từ Hà Nội đến TP.HCM để khai thác chở người và hàng với tốc độ 150-200km/h. Theo bạn, từ Hà Nội đi TP.HCM 10 tiếng là tốt rồi.
Đồng quan điểm, bạn đọc Doabui nêu vấn đề: "Vận tốc 150km/h đi từ sáng tới tối đến TP.HCM là tốt lắm rồi, an toàn, không chuyển chặng. Vì thời gian chờ đợi, chuyển chặng mới là vấn đề nhiều người ngại. Làm theo phương án 1 (cao tốc Hà Nội - Vinh) thì lượng người vào Vinh không nhiều, nếu vào TP.HCM thì chuyển chặng bằng phương tiện gì?"
Tàu tốc độ cao của Việt Nam dự kiến sử dụng công nghệ tương tự tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản. Ảnh: Hitravel/Zing |
Không ủng hộ việc làm chặng ngắn, bạn đọc Đào nêu: "Đường sắt mà đoạn ngắn không tiện bằng ô tô và đắt sẽ không có người đi. Thực tế, đường sắt HN-Bãi Cháy và HN-Đồng Đăng hiện không có khách. Nên đầu tư toàn tuyến - khoảng 5 năm - với tốc độ 150km/h, sẽ kịp thời chia lửa tốt với đường bộ và đường không. Còn làm cao tốc, đến năm 2032 mới có hai đoạn thì quá chậm".
Bạn Trần Hòa cũng cho rằng: "Tốc độ ban đầu chỉ cần từ 160-200km/h, sau đó hoàn thiện nâng dần. Làm như vậy mới rút ngắn thời gian của dự án, kịp thời phục vụ sự phát triển KT-XH".
Đúng nghĩa cao tốc: Nên học Nhật, Đức?
Bên cạnh ý kiến ủng hộ phương án nâng cấp đường sắt lên tốc độ 150km/h, không ít bạn đọc bày tỏ, phải làm mới cao tốc.
Bạn đọc Lê Hoàng Anh thẳng thắn: "Chúng ta nên học Nhật, Đức... Còn nếu cứ làm theo tư duy Việt Nam thì rất lâu mới có đường sắt cao tốc. Theo tôi nên làm trước 2 đoạn có nhu cầu lớn Vinh - Hà Nội, TP.HCM - Nha Trang là hợp lý".
Phân tích cụ thể hơn, bạn Hoàng Anh viết: Một là, chạy 150km/h quá chậm, không cạnh tranh được với đường bộ chứ chưa kể đến hàng không. Hai là, đầu tư như vậy sau khi muốn lên cao tốc lại bỏ tàu chạy diezel sẽ tốn kém. Ba là, chúng ta sẽ mãi tụt hậu so với các nước trong khu vực chứ chưa nói đến thế giới. Cuối cùng, nếu chần chừ càng để lâu kinh phí đầu tư càng cao do GPMB, mức đầu tư tăng cao...
Bạn Đào Tuấn Anh nhấn mạnh: "Theo tôi, đề án làm ĐSCT Bắc Nam đường đôi khổ 1m43 là cần thiết. Nhìn ra thế giới, các nước phát triển đều là các nước có mạng lưới đường sắt phát triển, không có cớ gì VN muốn phát triển lại không triển khai".
Đồng thời, ủng hộ phương án 1 bổ dọc, có nghĩa là đầu tư đến đâu đồng bộ đến đó để phục vụ người dân và cho nền kinh tế, tránh lãng phí. Bạn Tuấn Anh quan điểm: "Cần đầu tư hệ thống điện khí luôn (không đầu tư diezel vì hệ thống này dùng vài chục năm lại bỏ rất lãng phí) khi đó các giai đoạn sau sẽ rút kinh nghiệm".
Cùng tư duy trên, bạn Quốc Hùng lập luận, phương án làm đường và tàu diezel chạy 150km/h sẽ không mấy người đi, vì không khác biệt so với cái cũ mà cũng không tiện như ô tô và sẽ không thu được vốn, sau này lại bỏ vậy là mất tiền của dân, còn nhà đầu tư tư nhân sẽ không tham gia vì chắc chắn lỗ.
"Đã là tàu cao tốc thì phải làm đàng hoàng, được đoạn nào ra đoạn ấy, đúng nghĩa tàu cao tốc để cạnh tranh với máy bay và ô tô may ra mới có hiệu quả kinh tế", bạn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bạn đọc Hồng Linh nêu rõ: "Đã làm thì phải làm thật hiện đại, không thì thôi. Có thể làm từng phần, ví dụ TP.HCM - Nha Trang và HN - Đồng Hới. Làm đường cao hơn mặt bằng để có lối đi cho dân ngang qua bên dưới đường sắt (dạng cầu chui) và hai bên nên làm mương nhỏ (kể cả cao tốc đường bộ cũng vậy) để dân không làm nhà hai bên đường dễ gây tai nạn".
Bạn Thachanh cũng mong mỏi giữ nguyên đường sắt cũ để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ du lịch (giống như Nhật Bản).
Bạn đọc Lê Văn Tân góp ý: "Nên làm thử một chặng đi từ TP.HCM ra Nha Trang, để các nhà quản lý và nhà thầu lấy kinh nghiệm. Cứ đầu tư ồ ạt rồi đội vốn lên, chậm tiến độ lại vin vào lý do "Chưa có kinh nghiệm"".
Phân tích thêm, bạn đọc Hoàng Song Hà viết: "Để đường sắt cũ sử dụng trong thời gian chờ làm ĐSCT. Bài học từ Cát Linh - Hà Đông cho thấy không biết bao giờ cho xong. ĐSCT chỉ chở khách, không chở hàng vì đã cao tốc phải đáp ứng chức năng của nó, không thể 2 trong 1 rồi thất bại hết. Còn có tiền đến đâu đầu tư đến đó và phải đưa vào khai thác ngay. Tương lai sử dụng đường sắt cũ vận chuyển hàng hoá và du lịch vẫn tốt vì đường bộ sẽ quá tải".
Bạn Lê Tính thì lo lắng khi đa phần các dự án của ta bị kéo dài tiến độ, đội vốn rất nhiều và cho rằng nếu làm thì chỉ khoảng 15 năm.