Lạc Thủy (Hòa Bình): Sân golf Đồng Tâm, 12 năm bỏ hoang

Thứ sáu, 17/05/2019, 18:12 GMT+7

Ban đầu, từ 1 dự án xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp với nuôi trồng thủy sản, chỉ sau mấy năm, dự án này đã “biến tướng’’ thành dự án sân golf Đồng Tâm 36 lỗ với cả 1 tổ hợp vui chơi giải trí được “vẽ’’ lên. Thời gian thuê đất là 50 năm, với diện tích trên 300 ha, trong đó nhiều diện tích thuộc diện tích đất rừng phòng hộ. Thấy cảnh san lấp, phá rừng đầu nguồn, nhiều người dân trong xã Đồng Tâm đã tập trung cản trở việc xây dựng. Đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua dự án sân Golf Đông Tâm vẫn bỏ dở, nham nhở, hoang tàn. Điều lạ, tận năm 2017 dự án sân golf Đồng Tâm mới được UBND Tỉnh Hòa Bình trình lên Chính phủ đề nghị bổ sung vào quy hoạch sân golf. Ai đã “giúp sức’’ cho dự án này đi trước cả 10 năm, để rồi tới nay vẫn hoang tàn…

Trao đổi với phóng viên điện tử Báo Xây dựng, ông Đinh Văn Công - một người dân sinh sống tại xóm Đồng Phú, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy kể lại: “Năm 2008 đã xảy ra một cuộc xô sát lớn giữa người dân xã Đông Tâm với chủ đầu tư dự án là Cty CP AVE do ông Nguyễn Tài Thắng làm Giám đốc.

Trước đó, người dân địa phương không hề phản ứng; nhưng khi thấy Cty san lấp, chặn dòng nước, đào phá, chặt phá một số khu vực rừng đầu nguồn thì bà con xã đã ra cản trở nhằm ngăn chặn những việc “phá phách’’ của chủ đầu tư. Cuộc xô sát nổ ra và sau đó có 1 số người dân bị bắt, tòa án cũng đã xét xử và 1 số người đã đi tù.

Sân golf Đồng Tâm giờ đã “đổi chủ”, người dân địa phương không thấy ông Nguyễn Tài Thắng qua lại đây. Thay vào đó là những người thuộc Cty CP du lịch TH tiếp quản trông coi. Nhiều diện tích đất vẫn để hoang hóa nhiều năm nay, người dân vẫn không được đầu tư trồng trọt trên mảnh đất của mình”.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: Vào ngày 8/1/2008, cơ quan CSĐT Công an huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/CSĐT để tiến hành điều tra về hành vi hủy hoại tài sản theo Điều 143 bộ Luật hình sự. Theo kết quả điều tra thì có 8 người dân đã được đưa ra xét xử trước pháp luật và chịu hình phạt tù.

Có điều lạ là chủ đầu tư dự án trong khi chưa được cấp phép, chưa có quyết định thu hồi đất, chưa bồi thường giải phóng mặt bằng, họ đã phá đi trên 37.700m2 đất rừng phòng hộ, hàng ngàn m2 rừng keo trồng của nhân dân... mà họ lại “thoát lưới’’ pháp luật. Hình thức xử phạt của họ chỉ là việc đình chỉ thi công xây dựng sân golf bằng quyết định số 966/QĐ-UBND ngày 5/5/2008 của UBND tỉnh Hòa Bình. Phóng viên tìm đến làm việc với Cục Thuế tỉnh Hòa Bình để tìm hiểu tình hình nộp tiền đất và các khoản khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên các nhân viên Cục Thuế Hòa Bình đã không tìm ra doanh nghiệp này.

Qua tìm hiểu của phòng viên được biết: Sau khi vấp phải sự phản ứng của người dân, Cty CP AVE, chủ Cty là ông Nguyễn Tài Thắng đã “tháo chạy’’ khỏi dự án. Và sau đó đã bán lại cổ phần cho các cổ đông khác. Hiện nay Cty CP AVE đã “lột xác’’ thay tên, đổi chủ thành Cty CP du lịch TH, mã số thuế 0101386078, địa chỉ nhà điều hành sân golf Đồng Tâm, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Được biết Cty CP du lịch TH chưa được thuê đất, chưa được cấp giấy phép xây dựng… mà mới chỉ được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch sân golf. Tuy nhiên sân golf đang được triển khai xây dựng một tòa trụ sở và gần chục lỗ golf. Người dân vẫn tiếp tục phản ảnh cần phải tách bạch khu hồ nước chứa thủy lợi nhằm đảm bảo tưới tiêu cho cả vùng.

Thực tiễn, nước tưới của nhiều sân golf có lẫn hóa chất đã làm ô nhiễm nguồn nước ở nhiều nơi. Hồ nước này đề nghị giao cho Cty Thủy nông huyện trông coi quản lý chứ không thể để rơi vào tay doanh nghiệp tự do khai thác. Người dân lo sợ những cánh rừng đầu nguồn phòng hộ kia sẽ tiếp tục bị tàn phá.

Dân thì lo vậy, không hiểu những người lãnh đạo của huyện Lạc Thủy, của tỉnh Hòa Bình có lo lắng như dân không? Nếu việc tàn phá rừng xảy ra, nguồn nước bị ô nhiễm như nhiều nơi, người dân lại tiếp tục xô sát như trước đây thì liệu hậu quả dân lại vào tù và chủ đầu tư thoát nạn?

Cái dự án biến tướng thành sân golf này 10 năm hoang hóa nay đã được đưa vào quy hoạch; mặc dù hiện nay cơ bản vẫn còn là bãi đất hoang. Ai đã tiếp tay, làm ngơ cho việc này?

Chưa hết, vào năm 2017, Tập đoàn TH cũng đã xin chủ trương sử dụng khoảng 600ha, trong đó 400ha là ruộng, 200ha là đất đồi tại huyện Vân Yên, tỉnh Yên Bái với mục đích là trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa (đúng là thế mạnh của Tập đoàn này). Xong hiện nay dự án này đã không thực hiện.

Thế rồi Tập đoàn này lại chuyển sang đầu tư khu du lịch Đầm Vân Hội, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái với diện tích hàng ngàn ha, trong đó có hơn 300ha đất mặt nước. Năm 2019 giới truyền thông đã đồng loạt “lăng xê’’ dự án này, nhưng kết quả ra sao thì chưa rõ.

Trở lại với dự án sân golf Đồng Tâm, với 300ha đất để hoang hóa 10 năm nay. Nếu tính toán với diện tích đất rừng trồng keo, đất trồng nông nghiệp thì nhân dân đã thiệt hại biết bao nhiêu tiền của, đời sống khó khăn. Không những thế Nhà nước còn mất đi một nguồn lớn tiền thuế đất.

Trách nhiệm thuộc về ai, điều này cần được các cơ quan chức năng, thanh tra, kiểm tra làm rõ về tính pháp lý của sân golf, thủ tục đầu tư xây dựng cùng việc chấp hành việc nộp ngân sách Nhà nước của các khoản tiền đất theo quy định pháp luật; xử lý các tổ chức cá nhân theo quy định của pháp luật nếu có sai phạm.


Đức Hải – Duy Nguyên/baoxaydung.com.vn