Theo quyết định của Bộ GTVT, nhà ga T3 sẽ bị “nhồi” vào khu đất 16,37 ha, giảm gần một nửa diện tích so với phương án của tư vấn Pháp đã được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn.
Phương án ga hàng không lưỡng dụng 2 giai đoạn của Vietstar về cơ bản trùng khớp với đề xuất của ADPi
Thực địa khu đất 10 ha được Bộ Quốc phòng giao cho Vietstar theo Quyết định số 882, chúng tôi ghi nhận khu đất này đã được di dời, giải phóng mặt bằng hoàn toàn, không còn đơn vị quân đội nào đóng quân trên đó. Một số nhà doanh trại cũ đang được Vietstar sử dụng làm văn phòng dự án. Khu đất này nằm đúng vị trí cánh trái nhà ga T3 theo đề xuất của tư vấn Pháp ADPi được Thủ tướng chấp thuận. Trong khi đó, khu đất 16,37 ha bên cạnh vẫn còn các doanh trại quân đội chưa di dời giải phóng mặt bằng và đang vướng rất nhiều thủ tục pháp lý nếu muốn giao cho ACV.
Nguy cơ thêm điểm tắc nghẽn
Trước tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng cả trên trời và dưới đất của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, năm 2017, Chính phủ giao Bộ GTVT mời đơn vị tư vấn độc lập ADPi Engineering (Pháp) nghiên cứu, khảo sát và thiết kế mở rộng sân bay. Sau nhiều lần họp bàn, lấy ý kiến của nhiều bộ, ban, ngành liên quan, cuối tháng 3.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định lựa chọn phương án của Công ty tư vấn độc lập ADPi. Theo đó, sẽ xây dựng thêm một nhà ga hành khách (nhà ga T3) ở phía nam trên khu đất có tổng diện tích khoảng 28 ha, diện tích sàn nhà ga là 200.000 m2, để phục vụ 20 triệu hành khách/năm.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 1942 của Bộ GTVT ban hành ngày 31.8.2018 “Về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020, định hướng đến 2030”, nhà ga T3 lại được “đẩy” gọn về phía khu đất 16,37 ha. Như vậy, vẫn giữ nguyên công suất nhưng quỹ đất Bộ GTVT dành cho nhà ga hành khách T3 đã giảm đi gần một nửa so với phương án của tư vấn Pháp. Với “đề bài” khó nhằn mà Bộ GTVT đưa ra như vậy, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị được Bộ “chọn mặt gửi vàng”, nhiều lần đề xuất Thủ tướng cho chỉ định thầu xây dựng nhà ga T3 - đã trình phương án “nhồi” nhà ga T3 vào khu đất 16,37 ha bằng cách giảm tổng diện tích sàn xuống khoảng 100.000 m2.
Một chuyên gia hàng không nhận định khi thuê tư vấn Pháp ADPi đề xuất phương án quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đơn đặt hàng của Thủ tướng là làm sao nâng được công suất của sân bay này lên 50 triệu hành khách/năm, trên tinh thần không hạn chế bởi quy hoạch sử dụng đất hiện tại. Do đó, tư vấn Pháp không cần quan tâm khu đất nào hiện tại đang được dùng vào việc gì, do ai quản lý, miễn sao đề xuất được quy hoạch mở rộng sân bay hiệu quả để khắc phục tình trạng quá tải trầm trọng của sân bay và tắc nghẽn giao thông ra vào sân bay.
Bản đề xuất của ADPi cho Chính phủ VN đã thể hiện đúng tinh thần đó và đã được Thủ tướng chấp nhận. Việc Bộ GTVT giảm gần 1 nửa phần đất cũng như diện tích sàn rất khó đảm bảo được công suất 20 triệu hành khách/năm. Chưa kể việc kết nối giao thông sẽ khó khăn hơn rất nhiều do toàn bộ đường dẫn, lối vào nhà ga và giao thông đối ngoại sẽ bị thu hẹp.
“Hiện nay cả 2 nhà ga T1 + T2 với diện tích đất lớn như vậy mà đã ùn tắc nghiêm trọng cả trong lẫn ngoài nhà ga. Trong khi T3 được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của 20 triệu hành khách/năm, gần bằng 2/3 tổng công suất 2 nhà ga T1 + T2 đang gánh mà lại bị nhét vào 16,37 ha thì hoàn toàn không khả thi, nguy cơ sẽ trở thành điểm tắc nghẽn mới cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng như giao thông khu vực lân cận”, vị này cảnh báo.
Chỉnh quy hoạch để “dọn đường” cho ACV ?
Thực tế, khu đất khoảng 28 ha được tư vấn ADPi quy hoạch xây dựng nhà ga T3 bao gồm 3 phần: 1 phần đất 10 ha đã được Bộ Quốc phòng giao cho Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) để thực hiện dự án nhà ga hàng không lưỡng dụng T3 theo Quy hoạch tại Quyết định số 3193 của Bộ GTVT ngày 7.9.2015 “Về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; khoảng 16,37 ha đang dự kiến giao cho Bộ GTVT để thực hiện xây dựng nhà ga theo Quy hoạch mới và khoảng 2 ha đất khu K34 thuộc Quân chủng phòng không không quân.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Như Hải, Chánh văn phòng HĐQT Vietstar Airlines, cho biết doanh nghiệp này đã nghiên cứu dự án xây dựng nhà ga hàng không lưỡng dụng T3 cách đây 11 năm và từ khi được Bộ Quốc phòng phê duyệt phương án sử dụng đất năm 2010, Vietstar đã tập trung giải tỏa, di dời, xây mới doanh trại quân đội, đến 2014 hoàn thành 100% “đất sạch”. Tiếp đến, doanh nghiệp đã thuê tư vấn nước ngoài thiết kế, trình Bộ Quốc phòng, Cục Hàng không VN và các cơ quan chức năng của nhà nước thẩm định.
Theo ông Hải, nhà ga lưỡng dụng (T3) được thiết kế với công suất 9,8 triệu hành khách/năm, nhưng trên thực tế có thể đáp ứng được tới 15 triệu hành khách/năm. Vietstar sau đó cũng đã khảo sát, nghiên cứu giai đoạn 2 để mở rộng nhà ga thêm 10 triệu hành khách/năm thành tổng 20 triệu hành khách/năm.
“Dự án nhà ga (T3) của chúng tôi về cơ bản trùng khớp với các nội dung đề xuất quy hoạch chi tiết gần đây của tư vấn ADPi. Vậy mà không hiểu sao quy hoạch mới của Bộ GTVT lại gạch tên hoàn toàn nhà ga lưỡng dụng (T3) mà không hề trao đổi, tham khảo ý kiến của Vietstar. Công sức, trí tuệ, tâm huyết của hàng trăm cán bộ công nhân viên của Vietstar Airlines theo đuổi dự án trong cả thập niên qua đùng một cái bị xóa bỏ một cách rất vô lý”, ông Hải bức xúc và khẳng định: “Nếu được cho phép thực hiện, Vietstar Airlines khẳng định và cam kết sẵn sàng khởi công xây dựng nhà ga lưỡng dụng (T3) ngay, hoàn thành sau 18 tháng. Trong thời gian đó các cơ quan chức năng có thể xem xét khả năng bổ sung quỹ đất để mở rộng giai đoạn 2 của dự án”.