Khởi động lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ sáu, 10/05/2019, 19:35 GMT+7

Sáng 10/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo khởi động lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thảo luận về các vấn đề chính mà quy hoạch vùng cần giải quyết.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh phát biểu khai mạc hội thảo.

Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, với các thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, các loại trái cây. Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Biến đổi khí hậu, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan và quá trình xâm nhập mặn, nước biển dâng đang đe dọa sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng các kế hoạch tổng thể, những chương trình hành động thiết thực để thay đổi những chỉ số phát triển của vùng.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu với 5 nhóm giải pháp tổng thể. Trong đó, nhóm giải pháp về xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh nhấn mạnh rằng, để việc tổ chức lập và triển khai thực hiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành công và hiệu quả cần có sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành và địa phương, sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp và cộng đồng.

Ông Đinh Thanh Tâm - Vụ phó Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong khuôn khổ của tiểu dự án 6, thuộc hợp phần 1, dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.


Toàn cảnh hội thảo.

Trên cơ sở Luật Quy hoạch được Quốc hội ban hành năm 2017 và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch vừa được Chính phủ ban hành ngày 07/5/2019, dự án lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là dự án đầu tiên thí điểm việc tổ chức lập quy hoạch vùng theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch.

Nội dung quy hoạch vùng gồm một số nội dung chính như: Phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù; Quan điểm và mục tiêu phát triển; Phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng; Phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bố nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng; Các phương hướng xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng; Phương hướng bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu…


Hòa Anh/baoxaydung.com.vn