Dù thị trường bất động sản đang tiếp tục hồi phục và nhu cầu vốn là rất lớn nhưng nhiều ngân hàng thương mại cho biết sẽ khó có dòng vốn đổ ồ ạt vào thị trường này trong năm 2017
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong năm 2016, huy động vốn của hệ thống NH tăng 18,38% so với cuối năm trước, tăng trưởng tín dụng ở mức 18,71% và cơ cấu tín dụng chuyển biến theo chiều hướng tích cực, riêng tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản (BĐS) chậm lại. Lãnh đạo một số NH thương mại nhìn nhận năm 2017, vốn vào BĐS sẽ tiếp tục được cân nhắc thận trọng với tỉ lệ vừa phải, để hạn chế rủi ro.
Giám sát chặt vốn vào nhà đất
Báo cáo của Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) về tình hình hoạt động năm 2016 cho thấy đến hết tháng 11-2016, tín dụng vào thị trường BĐS trên địa bàn TP đạt khoảng 150.000 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 10,6% tổng dư nợ tín dụng của TP và chiếm tỉ lệ 35,2% tổng dư nợ tín dụng BĐS cả nước. Tăng trưởng tín dụng ở phân khúc cho vay BĐS của TP vào khoảng 14,2% so với năm trước, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước nhưng tỉ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này lại chỉ khoảng 2,6%. Đồng thời, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn TP khoảng 202.000 tỉ đồng, trong đó có khoảng 38% tương đương hơn 70.000 tỉ đồng là cho vay để xây nhà, sửa chữa nhà ở. Theo HoREA, khoản vay này cũng cần được giám sát chặt chẽ để sử dụng đúng mục đích, vì người vay có thể chuyển tiền vay qua đầu tư BĐS.
HoREA cũng cho rằng thị trường BĐS đã xuất hiện một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro như hiện tượng lệch pha cung cầu, có sự gia tăng mạnh các nhà đầu tư thứ cấp hoặc nguồn cung tín dụng có xu hướng tập trung vào một số tập đoàn lớn đầu tư vào phân khúc BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng... Do đó, nhiều NH cũng đã thận trọng hơn khi đổ vốn vào phân khúc này. Ngay NHNN cũng nhiều lần yêu cầu các NH thương mại cần kiểm soát tín dụng vào những phân khúc tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có BĐS.
Năm 2016, thị trường nhà đất sôi động nên lượng vốn đổ vào thị trường rất lớn ảnh:Phương danh
Ngay các chính sách tín dụng có hiệu lực từ đầu năm 2017 cũng theo hướng không khuyến khích NH đổ vốn vào BĐS. Chẳng hạn, theo quy định trong Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 36, quy định về các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài, quy định hệ số rủi ro cho các khoản vay BĐS đã được nâng từ 150% lên mức 200%. Đồng thời, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng được giảm dần từ 60% xuống còn 50% từ ngày 1-1-2017 và xuống mức 40% từ ngày 1-1-2018. So với quy định ban đầu, NHNN đã giãn lộ trình thực hiện giới hạn trên trong hơn 2 năm để các NH thương mại có thời gian chuẩn bị nhưng yêu cầu này cũng khiến nhiều NH phải cân nhắc việc cho vay trung dài hạn ở lĩnh vực BĐS.
Lãi suất cho vay nhà đất sẽ tăng
Tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô vừa tại TP HCM nhìn nhận cho vay BĐS là phải cẩn trọng vì lĩnh vực này mang tính chất rủi ro. Hiện NH ông đang cho vay theo từng dự án BĐS, cho khách hàng vay kinh doanh, đầu tư nhà đất nhưng thời gian dưới 1 năm và cho khách hàng cá nhân vay mua nhà để ở. Trong đó, riêng phân khúc cho vay khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà để ở thật sự sẽ được tập trung đẩy mạnh. Có điều, khách hàng vay mua nhà bình quân từ 15-20 năm, nguồn vốn dài hạn trong khi hiện NHNN đã giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống còn 50% nên các NH cũng phải tự sắp xếp, cân đối lại.
“Dù muốn cho khách hàng cá nhân vay mua nhà nhiều hơn nhưng nguồn vốn huy động dài hạn có hạn, vì rất ít người gửi tiền chọn kỳ hạn 24-36 tháng mà thường gửi tiết kiệm dưới 1 năm. Đây là bài toán khó” - vị tổng giám đốc này chia sẻ.
Theo yêu cầu của NHNN, sự thận trọng đối với thị trường BĐS như việc kiểm soát tỉ lệ tăng trưởng, tỉ lệ cho vay BĐS trên tổng dư nợ. Hiện dư nợ cho vay BĐS chiếm khoảng 10% so với tổng dư nợ của toàn hệ thống NH, điều này là cần thiết vừa an toàn cho các NH mà còn lành mạnh hệ thống.
Do đó, ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB), nhận xét vốn vào thị trường BĐS trong năm 2017 không quá siết nhưng sẽ có sự thận trọng hơn. Và lãi suất có thể có xu hướng tăng nhẹ vào thời điểm cuối năm nay đối với phân khúc cho vay đầu tư kinh doanh BĐS vì quy định tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của NHNN từ đầu năm 2018 chỉ còn 40%. “Dù vậy, khoản vay mua nhà của khách hàng cá nhân tại ACB thường từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng là nhu cầu cho vay thật sự, trong khi những người đầu cơ thì thường vay từ 3-4 tỉ đồng trở lên nên tôi chưa lo ngại có đầu cơ về nhà đất” - ông Phát nói.
Theo Người Lao Động