Khi quy hoạch đánh đố và làm khó người dân

Thứ hai, 06/11/2017, 10:32 GMT+7

Khoảng chục năm trở lại đây, hàng loạt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch khiến nội thành TP.Hà Nội như thỏi nam châm hút dân vào nội đô. Tắc đường, thiếu trường, thiếu không gian công cộng khiến cuộc sống ngột ngạt cũng từ đó mà ra.

khi-quy-hoach-danh-do-va-lam-kho-nguoi-dan-1
Việc xây dựng các nhà cao tầng trong nội đô khiến các đoạn đường trong nội thành Hà Nội ngày càng ùn tắc. Trong ảnh là đường Lê Văn Lương tắc nghẽn giờ cao điểm. Ảnh: THÔNG CHÍ

Ngày 2.11, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội “Cần phát triển thành một siêu đô thị thông minh, làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch chặt chẽ, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường…”.

Dân bức xúc, chuyên gia bất ngờ!

Trong vòng vài tháng trở lại đây, hàng loạt thông tin về các điều chỉnh quy hoạch tại Hà Nội được đưa ra, từ đồ án điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ngoại giao đoàn tăng mật độ nhà cao tầng khiến cư dân căng băngrôn phản đối, đến đồ án cải tạo ga Hà Nội quy hoạch 6 khu nhà cao tầng mọc trên đất ga Hàng Cỏ khiến tất cả từ người dân đến chuyên gia đều bất ngờ.

khi-quy-hoach-danh-do-va-lam-kho-nguoi-dan-2
Tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: P.V

Điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng

Vào tháng 5.2017, Hà Nội quyết định tiếp tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu ngoại giao đoàn. Theo đó, nhiều ô đất được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị như thiết kế dự kiến ban đầu. Có ô đất điều chỉnh mật độ xây dựng từ 20,5% lên 40%.

Hầu hết các ô đất điều chỉnh đều nâng tầng lên gấp 2 hoặc gấp 3, từ 5 tầng lên 15 tầng, 7 tầng lên 27 tầng, hoặc ô đất có chức năng đất đầu mối kỹ thuật, không xác định tầng cao mật độ nhưng nay điều chỉnh thành đất công cộng với mật độ 40%, tầng cao trung bình 12 tầng.

Vơí điều chỉnh này, vào giữa tháng 10, cư dân khu Ngoại giao đoàn liên tục căng băngrôn phản đối. Tại cuộc họp với cư dân, ông Nguyễn Đỗ Quý - Phó Tổng Giám đốc Hancorp (Chủ đầu tư khu Ngoại giao đoàn) - khẳng định, việc điều chỉnh là đúng quy trình và được UBND TP phê duyệt. Với lý lẽ này của chủ đầu tư, cư dân khu đô thị này nêu ý kiến, việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải có tham vấn ý kiến cộng đồng cư dân.

Bà Đỗ Thị Hương Chà - Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo - thừa nhận, 10 người được mời cho ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch là cư dân thuộc Tổ dân phố số 1, không phải cư dân mua nhà sinh sống trong khu Ngoại giao đoàn, chưa đúng đối tượng. Đến đây, đại diện cư dân cho rằng, việc điều chỉnh này rõ ràng sai quy trình và yêu cầu Sở quy hoạch Kiến trúc làm lại.

Tuy nhiên, tham dự cuộc đối thoại với cư dân ngay từ đầu nhưng thời điểm cư dân phản ứng gay gắt với điều chỉnh quy hoạch thì đại diện Sở quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã lẳng lặng rời khỏi cuộc họp.

Có Luật mà cố tình làm sai

Vào giữa tháng 9.2017, đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận vừa được UBND TP.Hà Nội thông qua, xin ý kiến các bộ, ngành, trước khi báo cáo Thủ tướng. Đồ án này đã đưa ra phân vùng chức năng với hàng loạt khu sẽ được xây dựng tại đây như: Khu tài chính, khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới, khu nghỉ dưỡng đô thị… với các công trình cao từ 40-70 tầng (chiều cao từ 100-200m).

Việc các khối nhà mọc lên sừng sững cao tới 70 tầng ngay nội đô lịch sử Hà Nội (đường vành đai 2 trở vào trung tâm thành phố) đã làm dậy sóng phản biện trong giới kiến trúc sư. Với Báo Lao Động, ngay từ khi đồ án công bố đã có hàng loạt bài đưa ý kiến các chuyên gia xây dựng, kiến trúc sư lên tiếng phản đối. Trong đó, Báo Lao Động đặt thẳng nghi vấn có bàn tay vô hình lợi ích nhóm mượn quy hoạch ga nuốt đất vàng.

Dư luận không sững sờ sao được, khi chỉ cách đây hơn một năm, vào tháng 4.2016, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành quy định rõ khu vực ga Hà Nội được xây dựng tối đa 18 tầng (tương đương 65m) đồng thời, các công trình cao tầng phải đảm bảo giảm mật độ xây dựng, tạo không gian thoáng, thông tầng tại các tầng đế, kết nối không gian công cộng với không gian khu vực ga Hà Nội.

Cũng theo quy chế này, với phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) được xây dựng tối đa 9 tầng (tương đương 32m) với điều kiện phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình ga Hà Nội.

Trước đó, hàng loạt các văn bản có tính pháp lý cao hơn như Luật Thủ đô, quy hoạch chung TP.Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt cũng từng nêu rõ, hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong nội đô lịch sử, từng bước giãn dân ra khỏi nội đô… “Đã có Luật, họ không làm theo Luật thì không còn gì để nói” - ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) - nói với PV Báo Lao Động về đồ án cải tạo ga Hà Nội.

Theo Lao Động