Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nepal, ông K.P. Sharma Oli, đã tham gia lễ khánh thành thông qua một cầu truyền hình từ thủ đô của mỗi nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Ngày 10/9, Ấn Độ và Nepal đã khai trương đường ống dẫn dầu xuyên biên giới đầu tiên của Nam Á.
Dự án này được xem là một phần trong các nỗ lực của New Delhi nhằm tăng cường ảnh hưởng tại quốc gia thuộc dãy Himalaya này.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nepal, ông K.P. Sharma Oli, đã tham gia lễ khánh thành thông qua một cầu truyền hình từ thủ đô của mỗi nước.
Đường ống dẫn dầu này do công ty quốc doanh Ấn Độ IOC phối hợp phát triển cùng Công ty dầu mỏ Nepal.
Thủ tướng Ấn Độ ca ngợi việc dự án này được hoàn thành trong thời gian ngắn kỷ lục, 15 tháng trước thời hạn.
Trong khi đó, Thủ tướng Sharma Oli nhận định đường ống này là "minh chứng tiêu biểu về sự kết nối trong lĩnh vực thương mại và quá cảnh... giữa Nepal và Ấn Độ," hai quốc gia có đường biên giới chung dài 1.751km, có sự tương đồng về tôn giáo và văn hóa.
Đường ống dài 69km, có công suất 2 triệu tấn/năm này sẽ vận chuyển dầu từ Motihari thuộc bang Bihar, miền Đông Ấn Độ đến Amlekhgunj ở Nepal, sẽ giúp Nepal tiết kiệm khoảng 8,7 triệu USD/năm phí vận chuyển.
Ấn Độ hiện là nhà cung cấp dầu mỏ duy nhất cho Nepal - quốc gia tiêu thụ khoảng 2,66 triệu tấn dầu mỏ và khoảng 480.000 tấn khí đốt mỗi năm.
Việc vận chuyển nhiên liệu được thực hiện bằng xe tải theo đường bộ từ các kho dự trữ của ở nhiều địa điểm của Ấn Độ tới Nepal. New Delhi đã tài trợ 3,24 tỷ rupee (khoảng 45 triệu USD) để xây dựng đường ống này.