Khánh Hòa: 1.000 công trình xây dựng sai quy định

Thứ ba, 25/09/2018, 00:00 GMT+7
Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, nhất là xây dựng công trình không phép ở Khánh Hòa diễn ra năm này qua năm khác. Tuy vậy, cơ quan chức năng cho rằng đang gặp một số trở ngại của luật, nên việc ...

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, nhất là xây dựng công trình không phép ở Khánh Hòa diễn ra năm này qua năm khác. Tuy vậy, cơ quan chức năng cho rằng đang gặp một số trở ngại của luật, nên việc xử lý kém hiệu quả.
 

Các kiốt xây dựng trái phép ở cổng 1 (cũ) trường Sĩ quan Không quân phải tháo dỡ. Ảnh: P.V

Gần 1.000 công trình sai phạm

Nhiều công trình và nhà ở riêng lẻ xây dựng không giấy phép, sai giấy phép, sai quy hoạch được duyệt diễn ra phổ biến ở Khánh Hòa. Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa về tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Sở Xây dựng phối với các cơ quan chức năng liên quan đã ghi nhận gần 1.000 công trình xây dựng sai quy định (trong đó, 838 công trình xây dựng không phép, 174 công trình xây dựng sai nội dung giấy phép). Năm 2017, các cơ quan chức năng đã ban hành 905 quyết định xử phạt với số tiền hơn 10,8 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2018 là 125 quyết định xử phạt với số tiền hơn 6,4 tỉ đồng. Mới đây, Báo Lao Động nhận được phản ánh của các khách hàng thuê kiốt tại Cổng số 1 (cũ) sân bay Nha Trang để buôn bán các mặt hàng lưu niệm. Theo đó, toàn bộ kiốt này bị Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ) buộc phải tháo dỡ vì xây dựng không đúng quy hoạch được duyệt. Vì thế, các cá nhân, đơn vị được Trường SQKQ cho mượn đất phải trả lại tiền cọc cho nhiều tiểu thương.

Khó từ cấp cơ sở đến... lỗ hổng của pháp luật

Vừa qua, tại xã Phước Đồng (TP.Nha Trang) xảy ra nhiều vi phạm về trật tự xây dựng, trong đó có 3 showroom phục vụ khách nước ngoài nằm ngay trên mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành. Tuy vậy, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng - cho biết, khi phát hiện các showroom này xây dựng trái phép thì chính quyền xã cũng không có thẩm quyền để xử lý. Lý do theo quy định mới của Nghị định 139 thì xã chỉ lập biên bản vi phạm hành chính, lập biên bản tạm giữ tang vật vi phạm và gửi UBND TP.Nha Trang báo cáo, kiến nghị xử lý. Việc này dẫn đến việc xử lý, cưỡng chế tháo dỡ còn bị chậm trễ. Đáng nói, trong lúc xã làm tờ trình báo cáo cấp trên thì các chủ showroom này vẫn ngoan cố hoàn thiện bằng được công trình.

Trong khi đó, theo Sở Xây dựng, Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định 139 không quy định việc áp dụng các biện pháp về ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Do vậy, công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng kém hiệu quả, dẫn đến tình huống xử lý tiếp theo có mức độ phức tạp hơn. Luật này cũng không quy định cụ thể biện pháp buộc dừng thi công xây dựng công trình đối với trường hợp gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận.

Ngoài ra, nhà ở riêng lẻ tại nông thôn thuộc trường hợp các công trình được miễn giấy phép xây dựng. Quy định này dẫn đến không quản lý được quy hoạch nhà ở tại các vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng tiếp giáp khu trung tâm các đô thị, sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị trong tương lai. Những bất cập trên, được Sở Xây dựng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất bổ sung quy định.

Theo ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - tại văn bản 9142 (ngày 7.9), UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục nghiên cứu các quy định để hướng dẫn các địa phương đối với các vấn đề vướng mắc trong công tác quản lý trật tự xây dựng; cập nhật các vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý thực tế để chủ động tham mưu hoặc xin ý kiến Bộ Xây dựng nhằm đảm bảo việc xử lý đúng quy định của pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng.
 
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
 

 


diaoconline.vn