Hiện trạng Công viên 23 tháng 9 ở Sài Gòn trước khi được cải tạo

Thứ hai, 08/04/2019, 22:26 GMT+7

Nhiều công trình như trung tâm thương mại, sân khấu, bến xe buýt, bãi giữ xe, nhà hàng... sẽ bị di dời để cải tạo lại Công viên 23 tháng 9.

Công viên 23 tháng 9 có diện tích hơn 9 ha, rộng 90 m và dài hơn 1.100 m, ở trung tâm quận 1. Công viên được giới hạn bởi Quảng trường Quách Thị Trang và các đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Trãi. Trước năm 1975, công viên là nhà ga xe lửa Sài Gòn.

Mới đây, UBND TP vừa chấm dứt cho thuê đất và giao mặt bằng trước ngày 30/4 để xây dựng lại công viên theo quy hoạch. Động thái này nhằm lập lại trật tự do nhiều đơn vị quản lý chồng chéo, thiếu kiểm soát trong xây dựng, khai thác các hoạt động mua sắm, ăn uống, dịch vụ... làm thay đổi công năng công viên và gây ùn ứ giao thông.

Công viên gồm ba khu A, B, C. Trong đó, một phần khu A (giáp công trường Quách Thị Trang) đã được giải tỏa, lập rào chắn để xây dựng nhà ga ngầm, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.

Bát nháo nhất là khu B với các công trình xây dựng cho hoạt động mua sắm, ăn uống, dịch vụ, giải trí... từ nhiều năm nay, chiếm gần nửa diện tích khu này.

Sân khấu Sen Hồng tại khu B sẽ được di dời để cải tạo công viên. Công trình này gần 6.000 m2, xây dựng năm 2013 bao gồm một sân khấu chính đặt trên hồ nước, phòng chiếu phim, khán đài phục vụ cùng lúc 700 khán giả, bãi giữ xe hai bánh...

Quanh sân khấu là các quán bar, cà phê, nhà hàng... san sát nhau trong công viên, gây nên tình trạng bát nháo nhất là vào buổi tối và dịp cuối tuần.

Cũng tại khu B, từ năm 2017, trung tâm thương mại dưới lòng đất đầu tiên của TP HCM hoạt động. Công trình có quy mô 11.000 m2 với một nửa diện tích làm bãi giữ xe ngầm còn lại là tổ hợp ăn uống, thời trang, mua sắm. Phía trên trung tâm này vừa là bãi giữ xe, nhà hàng, quán cà phê...

Theo UBND TP, hoạt động khai thác ở trung tâm thương mại được phép duy trì đến khi chuẩn bị khởi công dự án cải tạo công viên.

Trụ sở của Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM nằm ở cuối khu B, bao bọc bởi đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai, Phạm Ngũ Lão. Trụ sở trung tâm sẽ được dời về đường Lý Chính Thắng, trả lại mặt bằng công viên.

Từ nhiều năm nay, bãi xe buýt với diện tích hơn 18.000 m2 gần như chiếm trọn khu C của Công viên 23 tháng 9 cũng được giải tỏa.

Năm ở khu B, tiếp giáp đường Lê Lai là bãi giữ xe hai bánh chiếm một phần diện tích công viên. Theo UBND TP, bãi giữ xe phải trả mặt bằng trước 30/4 để triển khai cải tạo công viên.

Ngoài những công trình hiện hữu, nhiều năm qua Công viên 23 tháng 9 còn được các đơn vị cho thuê để tổ chức hội chợ, triển lãm, ca nhạc... Hai tuần trước hạn chót bàn giao mặt bằng, một sân khấu lớn cùng các gian hàng đang được dựng ở khu B để làm hội chợ.

Hơn 10 năm nay, một góc của công viên cũng thành điểm tập kết, trung chuyển rác. "Buổi chiều, các xe lấy rác tập trung ở đây thu gom vừa gây hôi thối lại ùn tắc giao thông. Công viên cũng thêm nhếch nhác khi có nhiều người vô tư tiểu bậy, người nghiện hút chích công khai", người dân sống trên đường Lê Lai cho biết.

Sau một thời gian dài khai thác, hạ tầng ở công viên đã xuống cấp. Không gian, tiện ích sinh hoạt cộng đồng, hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, trò chơi trẻ em, khu vận động cho thanh thiếu niên vẫn còn hạn chế.

Buổi tối, hàng loạt hàng quán bày bàn ghế, đồ ăn trong công viên và tràn ra cả vỉa hè.

UBND TP cho biết, sau khi cải tạo hoàn chỉnh, toàn bộ phần trên mặt đất sẽ được sử dụng đúng chức năng là công viên cây xanh, mặt nước, không được tổ chức triển lãm, hội chợ, mua bán, kinh doanh.

UBND cũng yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức nhanh việc thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên 23/9 để làm cơ sở đấu thầu chọn nhà đầu tư, đơn vị thi công trong quý 3 năm nay.

Theo Sở Giao thông Vận tải, thành phố đang thiếu nhiều công viên. Với các quận nội thành, theo tiêu chí đô thị phải đạt 2,4 m2/người nhưng hiện mới đạt 0,8 m2. Với quận huyện ngoại thành thì ít nhất 12 m2/người nhưng mới đạt 0,3 m2.


Theo Quỳnh Trần/VnExpress.net