Phó tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam ngày 18/3 ký thông báo kết luận 34 thanh tra "Việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn TP Đà Nẵng".
Thông báo nêu rõ việc UBND TP Đà Nẵng cho phép bán 52 cơ sở nhà đất từ năm 2010 đến 2016 khi chưa có phương án sắp xếp, xử lý là không đúng theo Quyết định năm 2007 của Thủ tướng. Kiểm tra giá thu tiền sử dụng đất của các cơ sở này, nhà chức trách phát hiện số tiền sai phạm hơn 156 tỷ đồng.
Theo đó, 14 cơ sở nhà đất được giảm hệ số sinh lợi không có căn cứ, sai quy định (hơn 83 tỷ đồng); 31 cơ sở bán cho bên thuê được giảm 10% tiền sử dụng đất không đúng quy định (hơn 52 tỷ đồng); cơ sở 48 Nguyễn Du giảm so với chứng thư thẩm định giá không có căn cứ (gần 12 tỷ đồng); giảm do đổi lại số nhà không đúng quy định tại cơ sở 34 Bạch Đằng (hơn 8,4 tỷ đồng).
31 cơ sở bán cho bên thuê có tổng diện tích nhà và đất khoảng 30.000 m2, thu về ngân sách hơn 424 tỷ đồng. Bốn cơ sở trong số này gồm nhà 47 Nguyễn Thái Học, 2 Hải Phòng, 39 Pasteur và 73 Nguyễn Thái Học thành phố bán không qua đấu giá là vi phạm Luật đất đai. Hai doanh nghiệp mua bốn bất động sản này là Công ty TNHH Minh Hưng Phát và Công ty cổ phần đầu tư Nhất Gia Phúc đều thuộc sở hữu của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm").
Một khu nhà đất công sản trên đường Bạch Đằng được chuyển đổi mục đích sau khi bán cho doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Trong khi đó, 8 cơ sở nhà đất công sản, diện tích hơn 6.000 m2 (bằng 1/5 diện tích 31 nhà đất bán lại cho bên thuê), khi được đấu giá công khai đã thu về số tiền 123 tỷ đồng (bằng gần 1/3 số tiền 31 nhà đất bán cho bên thuê).
Nhiều nhà đất bán đấu giá đã thu được chênh lệch cao. Như nhà số 87 Trần Phú tăng tiền sau đấu giá gấp ba lần, thành phố đưa ra giá khởi điểm hơn 3,2 tỷ đồng và giá trúng 9 tỷ đồng. Nhà số 86 Trần Phú giá tăng gấp đôi, khi khởi điểm 2,4 tỷ đồng và giá trúng là hơn 5 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đánh giá, kết quả này cho thấy việc bán đấu giá theo quy định đã giúp tăng nguồn thu cho ngân sách.
Đánh giá chính quyền Đà Nẵng những năm qua đã khắc phục nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai, được chỉ ra tại kết luận 2852 năm 2012, tuy nhiên Thanh tra Chính phủ cho rằng thành phố vẫn chưa truy thu hết số tiền giảm 10% tiền sử dụng đất sai quy định.
Ngoài ra, cơ quan thanh tra tiếp tục chỉ ra nhiều sai phạm khác trong lĩnh vực đất đai ở Đà Nẵng, kiến nghị Chính phủ yêu cầu thành phố truy thu gần 140 tỷ đồng, gồm: 22 tỷ đồng tiền 10% hỗ trợ lãi suất không đúng quy định; 8,4 tỷ đồng xác định sai địa chỉ cơ sở nhà đất 34 Bạch Đằng; gần 64 tỷ đồng tiền giảm 10% sai quy định; 31 tỷ đồng tiền phê duyệt giá sai thời điểm, áp dụng hệ số ngã ba, ngã tư sai quy định, giảm giá không có căn cứ...
Dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng đã được điều chỉnh tăng diện tích sai quy định. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Đà Nẵng sẽ phải thu hồi và điều chỉnh các văn bản về việc hỗ trợ lãi suất bằng 10% tiền sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất, kinh doanh với thời hạn sử dụng lâu dài; cho phép chuyển tên người sử dụng đất không thông qua hoạt động chuyển nhượng và hướng dẫn ghi nội dung mục đích sử dụng đất trái quy định trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thành phố cũng phải xác định lại giá thu tiền sử dụng đất đối với Dự án khu đô thị Capital Square 2; lô A7 thuộc dự án xây dựng đường Nguyễn Văn Linh; nhà đất số 34 Bạch Đằng, 16 Bạch Đằng và 13 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước được giảm hệ số sinh lợi không có căn cứ; thu bổ sung tiền sử dụng đất hai dự án điều chỉnh quy hoạch làm tăng diện tích là Khu công viên biệt thự sinh thái và văn phòng thấp tầng; dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm trên thuộc về trách nhiệm của UBND TP Đà Nẵng, Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Tài chính, Công ty Quản lý nhà, hội đồng thẩm định giá, các tổ chức được giao quản lý quỹ đất và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Riêng dấu hiệu sai phạm tại các dự án ở Sơn Trà, như xác định giá thu tiền sử dụng lô đất 09 thuộc dự án Khu biệt thự Suối Đá; tiền thuê đất đối với dự án khu du lịch Bãi Trẹm và khu du lịch Bãi Bụt... sẽ được xem xét, xử lý tổng thể khi có kết luận thanh tra toàn diện bán đảo Sơn Trà.
Thanh tra Chính phủ cho biết đã chuyển hồ sơ, tài liệu và kết quả xác minh ban đầu 10 cơ sở nhà, đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Bộ Công an để tiếp tục làm rõ theo quy định của pháp luật. Trong đó, nhiều hồ sơ liên quan đến nhà đất công sản được bán cho Vũ "Nhôm".
Trao đổi với VnExpress ngày 20/3, ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, cho biết Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận tại Đà Nẵng đầu tuần trước, với sự tham dự của lãnh đạo thành phố và các đơn vị liên quan.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Tô Văn Hùng thông tin thêm Đà Nẵng đã giải trình nhiều vấn đề. Thanh tra Chính phủ cũng tiếp thu một số giải trình và ra kết luận cuối cùng. "Thành phố thống nhất với kết luận và sẽ nghiêm túc thực hiện", ông Hùng nói.
Lãnh đạo của UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2010 đến 2016 lần lượt trải qua các đời chủ tịch là ông Trần Văn Minh (2006-2011), Văn Hữu Chiến (2011-2015), Huỳnh Đức Thơ (nhậm chức từ tháng 1/2015 đến nay).
Mở rộng điều tra vụ án sai phạm quản lý đất đai liên quan Phan Văn Anh Vũ, tháng 4/2018 Bộ Công an đã khởi tố hai ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến về các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015) và Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai (Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015). Ông Minh bị bắt, ông Chiến được tại ngoại.
Hôm 18/3/2019, Bộ Công an đã khởi tố thêm 7 bị can ở Đà Nẵng. Trong đó có ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng từ 2012 đến 2018) về các tội danh tương tự ông Minh và ông Chiến. Nhiều cựu lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Công ty Quản lý nhà giai đoạn trước đây cũng bị khởi tố.