Sau những biến động của giai đoạn trước, hai năm trở lại đây thị trường bất động sản Hà Nội đã lấy lại thăng bằng dù vẫn còn những đợt sóng ngầm ở một số phân khúc nhất định.
Sự năng động, quyết tâm của Chính phủ được mong đợi sẽ giúp cho thị trường bất động sản điều chỉnh hợp lý cơ cấu hàng hóa, trong đó, nhà ở xã hội, nhà ở phân khúc trung bình và một số khu vực đất nền phía Tây có xu hướng phát triển mạnh. Cùng với đó là sự đa dạng hóa nguồn tín dụng vào thị trường này. Đây là những yếu tố được kỳ vọng sẽ tạo nên sức hấp dẫn riêng của thị trường bất động sản trong năm 2017.
Tuy nhiên, để thị trường bất động sản tiếp tục sự ổn định của năm 2016 và có thể mạnh mẽ hơn, vẫn rất cần những chính sách hiệu quả của Nhà nước giúp cho nền kinh tế vĩ mô có được những điều kiện tốt nhất để phát triển lâu dài và bền vững theo như chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ.
Trước thực trạng trên, Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chức năng vào cuộc tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án bất động sản trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.
Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện, Hà Nội cũng đề nghị phải công bố công khai danh tính các dự án đang thế chấp ngân hàng; không thực hiện bảo lãnh, các dự án chậm tiến độ, đã được giao đất nhưng chủ đầu tư chậm trễ trong việc xác định nghĩa vụ tài chính, các dự án chậm làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho người dân, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình và công tác phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng...
Hà Nội kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động
đầu tư kinh doanh bất động sản. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng chỉ đạo, các sở, ngành chức năng trong quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng, thẩm định chủ chương đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng đối với các dự án bất động sản cần phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án (nhất là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp).
Song song với đó là bảo đảm tuân thủ pháp luật, quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt; ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai.
Hà Nội cũng cam kết đảm bảo bố trí đủ quỹ đất và nguồn lực tài chính cho phát triển nhà ở xã hội, kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư dự án bất động sản phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình cao tầng trong khu vực nội đô, không để xảy ra quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực...
Về lĩnh vực quy hoạch, căn cứ Quy hoạch chung và Quy hoạch phân khu của thành phố đã được phê duyệt, Sở Quy hoạch-Kiến trúc có trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư thủ tục giải quyết đối với các dự án cần điều chỉnh cho phù hợp, nhất là với các dự án nằm trong khu vực có Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt.
UBND thành phố cũng yêu cầu Sở tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thụ lý hồ sơ xin điều chỉnh cơ cấu sản phẩm dự án của các chủ đầu tư để tổ chức thẩm định, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, báo cáo kết quả lên UBND thành phố xem xét, quyết định.
Về việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, Sở Quy hoạch-Kiến trúc cần đôn đốc các nhà đầu tư đã được thành phố giao nghiên cứu lập quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để bù đắp phần diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội còn thiếu trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng phải xác định rõ nguyên nhân các dự án bất động sản thực hiện chậm so với tiến độ phê duyệt.
Nếu chủ đầu tư không thực hiện hoặc dự án chậm tiến độ hoàn toàn do nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư, hoặc dự án đã được gia hạn tiến độ nhưng vẫn bị chậm, cần báo cáo lên UBND thành phố xử lý, thu hồi./.
Theo Vietnam+