Hà Nội: Tự ý điều chỉnh quy hoạch hơn chục ô đất tại khu đô thị Ciputra?

Thứ hai, 24/06/2019, 15:48 GMT+7

Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra Hà Nội) thuộc Cty TNHH Phát triển Khu đô thị (KĐT) Nam Thăng Long được giới thiệu là KĐT đáng sống nhất đầu tiên tại Thủ đô. Thế nhưng mấy năm gần đây, KĐT này trở nên ngột ngạt bởi dân số tăng cao, diện tích giao thông, cây xanh hình như bị thu hẹp. Người dân nơi đây đã mang đơn đi kêu kiện khắp nơi, bởi họ cho rằng để xảy ra tình trạng nên trên, chính là việc tự tiện điều chỉnh quy hoạch của chính quyền Hà Nội.


KĐT Nam Thăng Long thuộc Cty TNHH Phát triển KĐT Nam Thăng Long bị điều chỉnh nhiều ô đất không xin ý kiến dân.

Hơn chục ô đất đã được “phù phép” quy hoạch?

Ngày 06/11/2018, chủ đầu tư dự án KĐT Nam Thăng Long đã có Văn bản số CV-LD586/2018 gửi Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội. Trong văn bản này, chủ đầu tư đã đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch các ô đất có ký hiệu I.B.29-NO, I.B.30-CX, I.B.31-CX và TM-13, P-14 trong quy hoạch chi tiết KĐT Nam Thăng Long giai đoạn 2, tỷ lệ 1/500 thuộc quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, đặc biệt là khu TM-13 đề nghị điều chỉnh tăng thêm 2.360 người.

Từ việc xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch lần này, cư dân dân phố Nam Thăng Long rất bức xúc khi phát hiện ra nhiều lần chủ đầu tư đã xin điều chỉnh quy hoạch “chui”, không lấy ý kiến của người dân tại đây. Những điều chỉnh này đã được UBND TP Hà Nội hợp thức hóa trong các năm 2016 và 2017. Cụ thể, trong năm 2016, 2 ô đất đã được điều chỉnh gồm: ô đất I.A.20 được điều chỉnh tăng 1.810 người; ô đất I.A.25 tăng 629 người. Lần điều chỉnh quy hoạch trong năm 2017 ô đất I.A.23 được điều chỉnh tăng 4.674 người so với quy hoạch trước đó.

Được biết, quy hoạch chi tiết KĐT Nam Thăng Long, giai đoạn 2 – tỷ lệ 1/500 được chủ đầu tư và UBND TP Hà Nội “hợp thức” không chỉ có các ô đất trên. Theo Văn bản số 5142/UBND-ĐT ngày 22/10/2018, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh các lô đất ký hiệu: 3-P, I.B.26-NO, I.B.28-CX, I.C.36-TH, I.C.37-TH, I.C.38-THCS, I.C.39-HC, I.C.40-MG, 4-THPT và cho phép nghiên cứu song song việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị H2-1 tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết KĐT Nam Thăng Long giai đoạn 2 tỷ lệ 1/500 nhằm hợp thức hóa những việc điều chỉnh lâu nay và những dự kiến trong việc điều chỉnh của chủ đầu tư.

Sau đó, Cty TNHH Phát triển KĐT Nam Thăng Long tiếp tục xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại các ô I.B.29-NO, I.B.30-CX, I.B.31-CX và TM-13, P-14.

Với văn bản xin điều chỉnh của chủ đầu tư và văn bản đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, ngày 21/02/2019 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp xem xét vấn đề trên. Ngày 27/2/2019, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 212/TB-UBND thông báo kết luận cuộc họp của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, theo đó Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tiếp tục “Thống nhất về nguyên tắc chủ trương điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất: I.B.29-NO, I.B.30-CX, I.B.31-CX và TM-13, P-14 thuộc KĐT Nam Thăng Long giai đoạn 2 theo đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc…”. Như vậy, tính đến tháng 2/2019, đã có hơn chục ô đất được UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch, trong đó nhiều ô đất đã được điều chỉnh xong.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đành rằng, trong pháp luật về quy hoạch đô thị có cho phép việc điều chỉnh quy hoạch kể cả quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng pháp luật cũng đặt ra các điều kiện cần và đủ trong việc điều chỉnh quy hoạch đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch 1/500. Qua nghiên cứu cho thấy rằng việc điều chỉnh quy hoạch 1/500 tại KĐT Ciputra không tuân thủ theo quy định của pháp luật, việc điều chỉnh này không mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư mà mang lại lợi ích cho một nhóm người.

Đặc biệt, trong pháp luật quy định khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 tổ chức tư vấn, người có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, chủ đầu tư phải xin ý kiến cộng đồng dân cư trong KĐT. Biết thế nhưng họ đã “lờ tịt” quy định này và tự tiến hành điều chỉnh theo ý muốn của riêng họ.

Trước việc điều chỉnh quy hoạch “khuất tất” này, hàng trăm hộ dân sống tại KĐT Ciputra rất bất bình. Ngày 27/4/2019, cộng đồng dân cư tổ dân phố Nam Thăng Long đã có đơn kiến nghị khẩn cấp đến Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan phản đối việc điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 KĐT Nam Thăng Long giai đoạn 2 của UBND TP Hà Nội và chủ đầu tư, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng và thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt theo Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 28/7/2004 của UBND TP Hà Nội.

Vấp phải sự phản đối của người dân, chủ đầu tư đã có Văn bản số CV-LD132/2019 gửi Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, đề xuất giữ nguyên chức năng sử dụng đất của ô đất TM13 là thương mại hỗn hợp theo quy hoạch chi tiết KĐT Nam Thăng Long giai đoạn 2 tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt tại Quyết định số 114/2004/QĐ-UBND ngày 28/7/2004 và Quyết định số 663/QĐ-UBND ngày 02/12/2015 về phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị H2-1 tỷ lệ 1/2000; không bổ sung chức năng đất ở (cụ thể không chuyển 2,360 người được cân đối từ ô đất I.B.29-NO sang cho ô TM-13). Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ giữ nguyên hiện trạng của ô đất TM-13 còn các ô đất I.B.29-NO, I.B.30-CX, I.B.31-CX, P-14 thì chủ đầu tư không hề nhắc tới.

Tiếp đó đến ngày 16/5/2019, cư dân tổ dân phố Nam Thăng Long đã có đơn kiến nghị lần 2 gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các Sở: Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị UBND TP Hà Nội có văn bản thông báo chính thức không phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 KĐT Nam Thăng Long giai đoạn 2.

Trong đơn ghi rõ: “100% ý kiến của cộng đồng dân cư không đồng ý với phương án điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 KĐT Nam Thăng Long giai đoạn 2”.


Nhiều ô đất đã bị điều chỉnh và đang xin điều chỉnh tăng hàng nghìn dân.

Thiết nghĩ nếu như người dân không lên tiếng, báo chí không vào cuộc, KĐT Nam Thăng Long được coi là một trong những KĐT đáng sống nhất Hà Nội sẽ ra sao? Bản thân KĐT này hiện nay đã bị xé nát, nếu tiếp tục điều chỉnh thì KĐT này sẽ ra sao, có còn “đáng sống” nữa không? Trách nhiệm này thuộc về ai?

Trước sự bất bình của dư luận, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND Hà Nội, các ngành liên quan, thanh kiểm tra việc điều chỉnh quy hoạch xác định trách nhiệm và xử lý theo pháp luật. Thiết nghĩ các bộ ngành chức năng, các cơ quan tư pháp cần phải chấp hành ý kiến Thủ tướng, sớm vào cuộc và làm rõ.


Đức Cương/baoxaydung.com.vn