Theo HĐND TP, công tác quản lý để xảy ra nhiều sai phạm, buông lỏng dẫn đến biệt thự bị phá dỡ, xây dựng mới; thậm chí rất nhiều biệt thự được chính quyền cấp phép cho phá dỡ xây dựng mới không báo cáo Chính phủ, HĐND TP theo đề án quản lý.
123 biệt thự cũ bị phá dỡ
Ông Nguyễn Nguyên Quân, trưởng Ban Đô thị thay mặt hai Ban Pháp chế và Đô thị HĐND TP Hà Nội vừa có báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh danh mục biệt thự cũ trên địa bàn Hà Nội.
Năm 2013, HĐND TP đã xác định danh mục 225 biệt thự cũ trước năm 1954. Quá trình thẩm tra vừa qua ghi nhận sau khi HĐND TP ban hành Nghị quyết về ban hành danh mục phố cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cổ, công trình kiến trúc khác trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn, công tác quản lý nhà biệt thự trên địa bàn TP có chuyển biến tích cực.
Nhiều sai phạm, buông lỏng quản lý biệt thự cũ
Tuy nhiên, qua rà soát cũng cho thấy đã có nhiều sai sót. Những sai sót được chỉ rõ: Quá trình tổng hợp ban đầu danh mục đưa vào quản lý có nhiều trường hợp nhầm địa chỉ là nhà phố, công trình có giá trị kiến trúc khác không phải biệt thự, để sót biệt thự nằm trong các khuôn viên rộng.
Cùng với đó, công tác quản lý cũng để xảy ra nhiều sai phạm buông lỏng dẫn đến biệt thự bị phá dỡ, xây dựng mới; thậm chí rất nhiều biệt thự được chính quyền cấp phép cho phá dỡ xây dựng mới không báo cáo Chính phủ, HĐND TP theo đề án quản lý.
Do vậy phải điều chỉnh lại danh mục sửa các sai sót trên. Theo nội dung UBND trình HĐND TP, hai ban đồng tình điều chỉnh danh mục 970 biệt thự. Trong đó đưa 20 biệt thự ra khỏi danh mục, đồng thời xác định là công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954. Đưa 2 biệt thự ra khỏi danh mục đồng thời xác định là nhà phố. Đưa 3 biệt thự ra khỏi danh mục do thống kê trùng 2 lần. Do thống kê sai đưa khỏi danh mục 5 biệt thự, đưa thêm vào danh mục 12 biệt thự để quản lý. Điều chỉnh lại địa chỉ đối với 51 biệt thự.
Đối với 123 biệt thự đã phá dỡ trong đó một số đã xây dựng mới, một số hiện trạng đang là ô đất trống hai ban thống nhất cho rằng 123 biệt thự đã phá dỡ trên không còn là biệt thự để quản lý theo đề án quản lý biệt thự của nghị quyết. Do vậy, đề nghị UBND xem xét theo hướng quản lý theo quy hoạch đối với các biệt thự không có giấy phép xây dựng và các ô đất trống sau khi biệt thự bị phá.
Hai ban cũng đồng tính với đề xuất của UBND TP về đề xuất điều chỉnh danh mục 225 biệt thự cũ. Trong đó, đưa 3 biệt thự ra khỏi danh mục và xác định là công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954. Điều chỉnh giảm 4 biệt thự khỏi danh mục (do xác định nhầm từ 1 biệt thự mang 2 biển số nhà thống kê thành 2 biệt thự). Điều chỉnh lại địa chỉ đối với 11 biệt thự. Như vậy sau điều chỉnh danh mục còn 218 biệt thự.
Truy trách nhiệm đơn vị quản lý
Từ thực tế còn nhiều sai sót , yêu cầu UBND TP chỉ đạo rà soát, xây dựng phương án xử lý những vấn đề còn tồn tại không để xảy ra tình trạng các biệt thự tiếp tục bị phá dỡ để xây dựng công trình mới.
Đối với những biệt thự đã phá dỡ, chưa xây dựng mới và biệt thự tự phá dỡ không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép vẫn đưa vào diện quản lý theo quy hoạch.
Những biệt thự chưa phá nhưng chính quyền đã cấp phê duyệt dự án phải rà soát lại thủ tục, thẩm quyền và quản lý theo quy chế.
UBND TP báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện Nghị quyết.
Đồng thời, báo cáo thẩm định cũng nêu rõ: Để có thêm thông tin để HĐND quyết nghị, hai ban đề nghị UBND TP báo cáo bổ sung giải trình rõ hơn về những hạn chế thiếu sót nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong công tác quản lý biệt thự thời gian qua, giải pháp, biện pháp khắc phục.
Trước đó, trong kỳ họp HĐND vào tháng 7/2014, khi UBND TP có Tờ trình về đề án quản lý quỹ biệt thự và đưa số biệt thự trên nằm ngoài danh mục quản lý theo quy chế. Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam cho rằng “có sự dối trá của cơ quan quản lý" và đề nghị quy trách trách nhiệm các đơn vị liên quan. 312 biệt thự trên bị thanh tra sau khi các đại biểu HĐND thành phố chất vấn gay gắt tại các kỳ họp năm 2014.
Theo Vietnamnet