Hà Nội: Muôn vạn kiểu biến tướng “xẻ thịt” công viên

Thứ hai, 25/03/2019, 17:34 GMT+7

Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng đã có loạt bài viết phản ánh việc chiếm dụng đất công viên trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, tình trạng “xẻ thịt” đất công viên vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết triệt để.

Những nhà hàng, quán café “mọc” lên tại công viên Thủ Lệ.

Mới đây nhất, Cty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ vừa đề xuất TP Hà Nội nghiên cứu xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Cầu Giấy. Tuy nhiên, đề xuất trên đã vấp phải sự phản đối của đại đa số người dân sống xung quanh khu vực của dự án.

Theo đó, Tổng diện tích đất Cty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ đề xuất nghiên cứu xây dựng bãi xe ngầm khoảng 14.500m2. Bãi đỗ xe có quy mô 3 tầng hầm, trong đó tầng 2 và 3 làm bãi đỗ cho 820 xe, tổng diện tích khoảng 29.000m2.

Đặc biệt, hàng trăm người dân sinh sống tại tòa nhà NO8B - KĐT mới Dịch Vọng có đơn kiến nghị yêu cầu không triển khai dự án tại Công viên Cầu Giấy. Theo người dân, dự án bãi đỗ xe ngầm đã thể hiện những bất cập, làm phá vỡ quy hoạch H2-2, tỉ lệ 1/2000 đã được phê duyệt từ trước.

Cách đó không xa, công viên Nghĩa Đô thuộc phường Nghĩa Đô và Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cũng bị chiếm dụng.

Quán cà phê lớn “bành trướng” không gian công viên Nghĩa Đô.

Những người dân sinh sống gần khu vực này cho biết, tình trạng lấn chiếm đã diễn ra khá lâu tuy nhiên chưa bị xử lý triệt để. Con phố vốn nhỏ, vào giờ cao điểm thì thường xuyên tắc do ôtô, xe máy đỗ dưới lòng đường và trên vỉa hè để vào quán.

Tại công viên Thủ Lệ, tình trạng “biến tướng” đất công viên diễn ra khá rầm rộ. Cụ thể, hàng loạt các nhà hàng, quán cà phê, quán bia “mọc” lên như nấm sau mưa.

Khu vực tiếp giáp với đường Đào Tấn có mặt tiền dài hàng trăm mét vốn là hàng rào của công viên được “hô biến” thành một chuỗi các hàng ăn, quán nhậu, gara sửa ôtô, quán café; nhiều cửa hàng được xây dựng kiên cố, hoạt động rầm rộ. Hằng ngày, khách ra vào nườm nượp, ôtô, xe máy đỗ tràn cả lên phía vỉa hè.

Hay trên địa bàn phường Trung Hòa, 2.682m2 đất vàng quy hoạch công viên giải trí số 1 (Khu đô thị mới Trung Hòa, Nhân Chính) gồm: Cây xanh, bể bơi phục vụ người dân, trẻ em vui chơi bị hô biến thành “Vườn Bia Phúc Thanh Garden”. Tại công viên giải trí vào chiều muộn, khách ra vào nhà hàng Bò Tơ Tây Ninh Tài Sanh ăn nhậu tấp nập. Hệ thống nhà hàng được xây dựng giữa công viên, bao quanh là 12 toà chung cư cao tầng với những con phố tấp nập. Bãi gửi xe cho khách đến bể bơi thành nơi trông giữ xe cho khách nhà hàng.

Tại địa phận quận Hai Bà Trưng, các hạng mục vui chơi giải trí của công viên Tuổi trẻ Thủ Đô cũng xuống cấp nghiêm trọng. Có thể thấy, hệ thống vòng đu quay gỉ sét, hệ thống bể bơi, máng trượt khổng lồ đều hỏng hóc và không đủ khả năng phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, đối lập với tình cảnh hoang tàn, cũ kỹ đó là khu vui chơi giải trí, hệ thống nhà hàng Queen Bee II, phòng tập Blue Gym; chuỗi siêu thị Fivimart Aeon (đã thay thế bởi chuỗi siêu thị Vinmart)… hoạt động tấp nập trong khuôn viên của công viên.

Khu vui chơi rỉ sét, cũ kỹ và lâu không được bảo trì tại công viên.

Phía bên trong, nhiều hạng mục đã xuống cấp, những bậc thang dẫn lên ống trượt nước hoen gỉ, đứt gãy.

Hoạt động rầm rộ của chuỗi nhà hàng, siêu thị.

Cùng chung số phận bị chiếm dụng đất, tại công viên Thống Nhất, phía mặt đường Trần Nhân Tông, phóng viên ghi nhận sự tồn tại của một bãi trông giữ xe trái phép.

Điểm trông giữ ô tô trái phép, không hoá đơn, không có cơ sở nộp thuế ngay trong công viên Thống Nhất.

Tình trạng sử dụng sai mục đích đất công viên cũng diễn ra tại khu vực hồ Thành Công, gần công viên Indira Gandhi. Phần phía nam công viên giáp đường Huỳnh Thúc Kháng đang bị cho thuê làm nơi trồng và bán cây cảnh. Nhiều tổ hợp khách sạn, căn hộ đang được triển khai xây dựng ngay sát tượng đài Indira Gandhi, nhìn ra phố Láng Hạ.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng xung quanh vấn đề này, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội chia sẻ: “Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng chúng ta cần phải đẩy mạnh rà soát vì trong các công viên hiện nay, không gian công cộng là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng của đô thị, đánh giá tính chất thân thiện, chất lượng sống cho người dân. Hiện tượng khai thác, sử dụng công viên không hợp lý dễ thấy trong Thủ đô, nếu như chúng ta có sự quyết liệt thì sẽ giải quyết được”.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội.

Trước thực trạng nêu trên, đề nghị UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng, các cấp có thẩm quyền cần sớm vào cuộc kiểm tra, xác minh và có biện pháp xử lý dứt điểm những tồn tại. Đồng thời, trả lại không gian xanh - sạch - đẹp cho công viên. Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, các công viên tại Hà Nội cần được nâng cấp, sửa chữa, quy hoạch và trả về đúng giá trị của nó để người dân có không gian xanh, điều hòa không khí cũng như sinh hoạt, vui chơi giải trí.


Diệu Anh / baoxaydung.com.vn