Theo tính toán dự kiến mà Bộ Tài chính vừa công bố, những người có 200m2 đất tại Hà Nội có thể phải nộp tiền thuế tài sản mỗi năm là 129,6 triệu đồng, tức mỗi m2 đất phải chịu 645.000 đồng tiền thuế.
Bộ Tài chính vừa có Báo cáo Đánh giá tác động dự án Luật thuế tài sản, trong đó có tính toán số thuế phải nộp với thửa đất 200m2 tại các khu vực thành thị.
Thuế tài sản 0,4%, tiền thuế có thể phải nộp mỗi năm là 129,6 triệu đồng
Bộ Tài chính diễn giải cụ thể như sau: với thửa đất có diện tích 200m2; tính theo giá cao nhất của 1 m2 đất của Bảng giá đất tại các địa phương do UBND các tỉnh ban hành với mức thuế tài sản dự kiến là 0,4% thì số thuế tài sản dự kiến phải nộp (chưa tính miễn, giảm) dao động từ 1.344.000 đồng/hộ/năm đến 129.600.000 đồng/hộ/năm. Theo cách tính này, tỉnh có mức thuế tài sản thấp nhất là Lai Châu; cao nhất là Hà Nội và Tp.HCM.
Bàn về tác động của mức thuế tài sản nói trên, Bộ Tài chính nêu quan điểm: "Đối với thửa đất ở những vị trí đặc biệt, đất mặt phố, có giá đất cao, số thuế phải nộp cao thì tuyệt đại bộ phận người có quyền sử dụng đất ngoài thu nhập từ tiền lương, tiền công còn có thu nhập cao từ việc cho thuê đất, thuê nhà, kinh doanh...".
Cũng theo tính toán của Bộ Tài chính, với thửa đất có diện tích 200m2, giá 1 m2 đất bình quân chung của cả nước và mức thuế suất thuế tài sản dự kiến là 0,4% thì bình quân mỗi hộ phải nộp số thuế tài sản dự kiến (chưa tính miễn, giảm) vào khoảng 8.104.000 đồng/hộ/năm. Với nhóm có thu nhập cao nhất, số tiền thuế này chiếm 2,51% thu nhập bình quân hộ (4 người); với nhóm ngành y tế chiếm 2,72% thu nhập bình quân hộ (4 người); với nhóm ngành giáo dục chiếm 2,79% thu nhập bình quân hộ (4 người).
Nếu áp với bảng giá đất tại Hà Nội và mức đánh thuế tài sản 0,4% thì một mảnh đất 200m2 tại
địa phương này có thể phải nộp thuế tài sản là 129,6 triệu đồng/năm. Ảnh minh họa: KT
Thuế tài sản 0,3%, tiền thuế có thể phải nộp mỗi năm là 97,2 triệu đồng
Tương tự cách tính trên nhưng với thuế suất thuế tài sản dự kiến là 0,3% và giá 1 m2 đất thấp nhất trong bảng giá đất do địa phương ban hành thì số thuế tài sản dự kiến phải nộp (chưa tính miễn, giảm) của 200m2 đất dao động từ 18.000 đồng/hộ/năm đến 2.376.000 đồng/hộ/năm. Với mức thuế này, chỉ có Hà Nội và Nghệ An là hai tỉnh trong số 63 tỉnh thành có số thuế tài sản dự kiến phải nộp trên 1.000.000 đồng. Với nhóm có thu nhập cao nhất, mức thuế tài sản này chiếm từ 0,007% đến 0,45% thu nhập bình quân hộ (4 người); với nhóm ngành y tế tỷ lệ này là từ 0,008% đến 0,51%; với nhóm ngành giáo dục tỷ lệ này là từ 0,008% đến 0,52%.
Cũng với mức thuế tài sản dự kiến 0,3% nhưng áp với giá 1 m2 đất cao nhất tại Bảng giá đất do UBND các tỉnh ban hành thì số thuế tài sản dự kiến phải nộp (chưa tính miễn, giảm) dao động từ 1.008.000 đồng/hộ/năm đến 97.200.000 đồng/hộ/năm. Trong đó, Lai Châu là tỉnh có mức thuế thấp nhất; Hà Nội, Tp.HCM là 2 tỉnh có mức thuế cao nhất.
Còn lại, những thửa đất tọa lạc ở những vị trí đặc biệt, đất mặt phố, có giá đất cao, số thuế phải nộp cao thì gần như tất cả người có quyền sử dụng đất ngoài thu nhập từ tiền lương, tiền công còn có các khoản thu nhập cao từ việc cho thuê đất, thuê nhà, kinh doanh...
Nếu áp dụng với trường hợp giá 1 m2 đất bình quân chung của cả nước và mức thuế suất thuế tài sản dự kiến là 0,3% thì số thuế tài sản dự kiến phải nộp bình quân (chưa tính miễn, giảm) là khoảng 6.078.000 đồng/hộ/năm. Đối với nhóm có thu nhập cao nhất, số tiền thuế này chiếm 1,88% thu nhập bình quân hộ (4 người); với nhóm ngành y tế tỷ lệ này là 2,04% và với nhóm ngành giáo dục, tỷ lệ này là 2,09%...
Sau khi đưa ra các kết quả tính toán với từng trường hợp như trên, Bộ Tài chính cho rằng, nếu đặt trong tương quan so sánh với tổng thu nhập (thu nhập từ tiền công, tiền lương và thu nhập từ hoạt động cho thuê đất, thuê nhà, kinh doanh) thì số thuế tài sản phải nộp không phải là lớn.
Còn lại, với những trường hợp dù sở hữu giá trị tài sản lớn nhưng thu nhập chỉ có tiền lương, tiền công ở mức thấp, chưa có nguồn để trả thuế thì trong dự thảo Luật cũng đã nêu quy định cho phép các trường hợp này được chậm nộp tiền thuế cho đến khi chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (chuyển nhượng hoặc thừa kế).
Theo VOV