Hà Nội lý giải việc chuyển nhượng nhà, đất ở trung tâm phố cổ

Thứ hai, 22/04/2019, 22:26 GMT+7

"Tránh trường hợp sau khi ra quyết định rồi nhưng người ta không nộp tiền thuê, mua nên việc cho phép nộp tiền trước. Còn giá bán được Liên ngành trình trên cơ sở hiện trạng công trình cũng như khảo sát giá của đơn vị tư vấn đối với đất phi nông nghiệp sang đất kinh doanh nộp tiền một lần chứ không phải để ở", đại diện Sở Tài chính lý giải.

Vì sao cho nộp tiền trước, rồi ra quyết định bán sau?

Liên quan đến việc Cty CP Dịch vụ và Thương mại Đông Á (Công ty Đông Á) được thuê mua các cơ sở nhà, đất ở mặt phố nằm các vị trí đắc địa trung tâm phố cổ Hà Nội như (số 56 Hàng Gai, 46 Hàng Trống, 7 Đội Cấn, 46 Hàng Ga) mà dư luận cho rằng với giá bèo, thấp hơn nhiều lần so với giá thực trên thị trường, đại diện Sở Tài chính đã có những lý giải về vấn đề này.


Đại diện Sở Tài cho rằng việc cho phép nộp tiền trước để tránh trường hợp sau khi ra quyết định nhưng doanh nghiệp không nộp tiền thuê, mua.

Theo ông Mai Xuân Vinh- Phó giám đốc Sở Tài chính, tháng 6/2011, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội (lúc đó là ông Phí Thái Bình-PV), đã ký văn bản số 4509 về việc giải quyết các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước do Công ty Đông Á đang thuê, trong đó chấp thuận về nguyên tắc đề xuất của Sở Xây dựng ho phép bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất đối với 3 cơ sở nhà đất nêu trên. "Tại văn bản này, UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Tài chính phối hợp với các sở ngành liên quan xác định giá bán nhà và giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các cơ sở trên sát giá thị trường theo quy định hiện hành để trình thành phố quyết định", ông Vinh nói.

Từ văn bản trên, tháng 10/2014, Liên ngành của Hà Nội đã có tờ trình về việc xác định giá bán trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 3 cơ sở nhà, đất chuyên dùng mà Công ty Đông Á đang thuê. "Khi Liên ngành có tờ trình về xác định giá bán, ngày 31/12/2014 thành phố đã có văn bản chấp thuận trong đó giao Sở Tài chính hướng dẫn DN nộp tiền vào ngân sách. Việc bán và chuyển nhượng các địa điểm nhà, đất trên thành phố cũng nói rõ khi có quyết định phê duyệt của các có thầm quyền", vị này cho biết.

Lý giải về quy trình bán nhà đất công đối với 3 cơ sở trên vì sao lại cho DN nộp tiền trước rồi mới đề nghị UBND TP Hà Nội ra quyết định bán? "Đối với việc bán, chuyển nhượng nhà, đất chuyên dùng thuộc trường hợp chỉ định cũng không có quy trình là phải nộp tiền trước hay ra quyết định bán trước. Hơn nữa có trường hợp thành phố đã phê duyệt giá bán rồi nhưng họ lại bỏ không nộp tiền nên tránh trường hợp phải hủy quyết định nên "thành phố không muốn thả gà ra đuổi, muốn cho chắc nên ông xuống tiền rồi tôi mới ra quyết định, mà các bước này diễn ra chỉ trong vòng 1 tháng thôi", vị cán bộ lý giải.

Chưa có hướng dẫn xác định giá

Theo lý giải về giá bán, đại diện Sở Tài chính cho biết, 3 cơ sở nhà, đất mặt tiền ở phố cổ được thành phố chuyển nhượng cho Công ty Đông Á được thành phố bán, chuyển nhượng trên cơ sở giá bán của loại đất phi nông nghiệp phục vụ cho kinh doanh chứ không phải đất ở. "Đây là mức giá bán của đất phi nông nghiệp sang đất kinh doanh trong thời hạn 50 năm (nộp tiền sử dụng đất một lần) chứ không phải bán theo giá đất ở. Hơn nữa thời điểm bán cũng vào lúc thị trường bất động sản đao xuống, giá thuê ở đây đang thấp giờ thì chắc thị trường có giá khác", vị Sở Tài chính lý giải.

Trước đó, Liên ngành Hà Nội có tờ trình số 5814/2014 về việc xác định giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 3 cơ sở nhà đất sở hữu Nhà nước tại số 56 Hàng Gai; số 46 Hàng Trống và số 7 Đội Cấn của Công ty Đông Á đang thuê.


Cơ sở nhà đất số 46 Hàng Trống được chuyển nhượng cho Công ty Đông Á với giá trị khoảng 83 triệu đồng/m2.

Theo Liên ngành Hà Nội, đơn giá thu tiền sử dụng đất đối với 3 cơ sở nhà, đất nêu trên cho Cty Đông Á làm cơ sở sản xuất kinh doanh được xác định trên cở sở hiện trạng công trình xây dựng hiện tại có kèm theo công văn cam kết của chủ đầu tư. Trường hợp có thay đổi các chỉ tiêu: diện tích sàn xây dựng, sàn kinh doanh, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo Liên ngành xem xét xác định theo quy định.

Đặc biệt, Liên ngành Hà Nội cho rằng, do chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định giá. "Hiện nay Luật đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013 đã có hiệu lực. Tuy nhiên, chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định giá", văn bản của Liên ngành Hà Nội nêu rõ.

Theo Liên ngành Hà Nội, đối với các cơ sở nhà, đất trên đơn vị đã nộp đủ vào Sở Tài chính trước ngày 1/7/2014. Vì vậy Liên ngành báo cáo UBND TP Hà Nội để xin ý kiến Bộ Tài chính và Bộ Tài Nguyên-Môi trường theo hướng: các trường hợp nộp đủ hồ sơ vào Sở Tài chính trước ngày 1/7/2014 thì được phép áp dụng phương pháp xác định giá đất theo quy định tại Thông tư 145 của Bộ Tài chính. Trường hợp ý kiến trả lời của hai Bộ và chỉ đạo của thành phố khác với đề xuất của Liên ngành thì sẽ rà soát báo cáo theo hướng dẫn của hai Bộ.

"Từ tháng 9/2016, Hà Nội đã chỉ đạo dừng việc bán, chuyển nhượng các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước để rà soát, đánh giá theo đề án sắp xếp cũng như ban hành quy định trong việc đấu giá đối với các trường hợp nhà đất này", đại điện Sở Tài chính cho biết.


Theo Đình Phong - Duy Phạm/Tienphong.vn