Hà Nội: Hàng loạt dự án quy hoạch treo gây lãng phí, thất thoát vốn ngân sách Nhà nước

Thứ hai, 22/07/2019, 22:57 GMT+7

Trong vài năm trở lại đây, Hà Nội thường xuyên có những đợt rà soát các dự án bất động sản (BĐS) trên địa bàn thành phố để đôn đốc những dự án chậm tiến độ, không chịu triển khai hoặc kiến nghị thu hồi đối với những dự án đã “đắp chiếu” nhiều năm và sử dụng đất sai mục đích. Mặc dù vậy, việc tiến hành thu hồi các dự án chậm tiến độ không hề đơn giản, nhiều dự án sử dụng đất sai mục đích, chậm tiến độ vẫn chưa bị xử lý.


Dự án Trấn Sông Hồng (Sông Hồng City) đã được phê duyệt hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn “nằm im” trên giấy.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Sở đã rà soát 47 dự án theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong đó có 8 dự án ở Mê Linh thuộc thẩm quyền Sở Tài nguyên và Môi trường, 39 dự án còn lại thuộc thẩm quyền Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đến nay, đã có 33 dự án được rà soát và chấm dứt hoạt động. 6 dự án còn lại, liên ngành sau khi rà soát đã báo cáo thành phố cho phép điều chỉnh quy hoạch và tiếp tục triển khai với 1 dự án. Còn lại 5 dự án chưa được xử lý, trong đó có 1 dự án đang chờ kết luận cơ quan cảnh sát điều tra và 3 dự án còn lại là đối ứng quỹ đất các dự án BT.

Tuy nhiên, đó chỉ là con số nhỏ bởi thực tế trên địa bàn thành phố vẫn còn hàng trăm dự án “đắp chiếu” nhiều năm và sử dụng đất sai mục đích vẫn chưa được chính quyền và cơ quan chức năng xử lý triệt để.


Tại dự án Sông Hồng City, người dân tự ý xây dựng các điểm trông giữ xe trái phép gây bức xúc trong dư luận.

Có thể kể đến, dự án Trấn Sông Hồng (Sông Hồng City) dù đã được phê duyệt hơn 20 năm nhưng đến nay dự án vẫn “nằm im” trên giấy. Đây chính là nguyên nhân khiến cho nhiều hộ dân tại phường Yên Phụ phải “sống tạm” trên chính mảnh đất của mình.

Tìm hiểu được biết, dự án Sông Hồng city được cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 1059/GP ngày 29/11/1994 của Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư về việc cho phép Cty Phát triển đô thị (là Cty liên doanh giữa Cty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội và Cty Antara Koh Development (v) Pte. Ltd.,Singapore) xây dựng khu nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê. Trong đó, thời hạn hoạt động của Cty liên doanh là 45 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư.

Tháng 3/1995, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 187/TTg về việc cho Cty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội thuê đất 60.000m² để liên doanh với nước ngoài xây dựng và kinh doanh nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn tại hồ Nghĩa Dũng, TP Hà Nội.

Tháng 9/1995, UBND TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E0373660 cho Cty Phát triển đô thị theo Quyết định số 3299/QĐ-UB để thực hiện dự án Sông Hồng City.

Tháng 9/2009, Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội phối hợp với Seoul (Hàn Quốc) nghiên cứu, xem xét lập quy hoạch xây dựng Sông Hồng City với tổng vốn đầu tư dự kiến là 7,1 tỷ USD. Dự kiến xây dựng các công trình với số vốn là 1,92 tỷ USD, bồi thường tái định cư là 1,564 tỷ USD. Còn hơn 1/2 số vốn còn lại là xây dựng các tòa nhà chung cư cao từ 30 - 40 tầng, khách sạn 5 sao... Dự án đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch đã được duyệt. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà gần 23 năm nay dự án vẫn chưa đưa vào triển khai, chủ đầu tư buông lỏng quản lý gây bức xúc trong nhân dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, khu vực quy hoạch hiện có khoảng 80 căn hộ của các hộ dân với diện tích xây dựng khoảng 3.400m², chủ yếu là khu tập thể nhà máy điện và khu tập thể F361 – Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng). Phần lớn các hộ thuộc khu tập thể F361 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và sở hữu nhà ở.

Cuộc sống của nhiều hộ dân tạm bợ, vá víu khi nhà đất của họ không được xây dựng sửa chữa, sang nhượng hay mua bán... Trong khi nhiều công trình của người dân đều đã xuống cấp, dân số cơ học liên tục tăng.

Ngoài ra, tại dự án này người dân còn lấn chiếm, dựng lều quán, ki ốt và các điểm trông giữ xe trái phép gây bức xúc cho người dân.


Công trình được quảng cáo với quy mô hoành tráng giờ chỉ còn là những mảng bê tông bong tróc cùng với những phế liệu hoen gỉ theo tháng năm.

Một công trình khác, toạ lạc trên khu “đất vàng” tại địa chỉ 38 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) thế nhưng, do những sai phạm trong quá trình xây dựng mà hiện Dự án LOD Building đã bị đình chỉ, thậm chí có dấu hiệu “bỏ hoang”, gây lãng phí.

Dự án do Cty CP Hợp tác lao động nước ngoài (LOD) làm chủ đầu tư, đơn vị nhận chuyển nhượng dự án là Tập đoàn Phúc Lộc. LOD Building là tòa nhà văn phòng được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn văn phòng hạng C, có chiều cao gồm 10 tầng nổi và 1 tầng hầm trên diện tích tổng thể 1.100m2. Trong đó, diện tích xây dựng 900m2. Với chiều cao 9 tầng, tòa nhà cung cấp tổng diện tích cho thuê 5.600m2, với mặt bằng khoảng 600m2/sàn, thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, không gian rộng, thoáng.

Tòa nhà văn phòng LOD Building được vẽ ra với những hứa hẹn trở thành một trong những văn phòng làm việc lý tưởng cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, dự án này lại tồn tại nhiều vấn đề và nhận được nhiều đơn thư phản ánh của cư dân thuộc khu D11 (Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) bởi lý do gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Quá trình thi công, dự án cũng nhiều lần bị nhắc về giấy phép xây dựng cũng như việc tự ý thay đổi kết cấu công trình khi chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, dự án nằm “bất động” từ lâu và không có dấu hiệu thi công trở lại. Khuôn viên của dự án cũng được quây tôn kín và khóa chặt, không có công nhân hay bảo vệ trông coi. Cũng do nằm phơi mưa, phơi nắng suốt thời gian dài mà các hạng mục của công trình đã có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt như bong tróc, hoen gỉ…


Dự án Apex Tower có một vị trí hấp dẫn, thuận tiện mặt tiền hướng ra đường Phạm Hùng, cách Trung tâm Hội nghị quốc gia khoảng 500m.

Được khởi công từ năm 2008, nhưng hiện nay Dự án Apex Tower (địa chỉ tại lô HH3, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới chỉ xây xong phần thô, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng và đang có dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích.

Tìm hiểu được biết, Dự án Apex Tower do Cty CP Tòa nhà Cavico Việt Nam và Cty CP Tu tạo và phát triển nhà (CTP) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 15 triệu USD. Dự án có diện tích 2.780m2, trong đó diện tích sàn xây dựng là 44.000m2, chiều cao tòa nhà khoảng 100m, gồm 27 tầng và 3 tầng hầm. Khi đi vào hoạt động, Apex Tower được kỳ vọng sẽ cung cấp khoảng trên 24.300m2 văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại tiện nghi, hiện đại và đạt tiêu chuẩn cao tạo ra một điểm nhấn kiến trúc ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội, góp phần làm đẹp cảnh quan khu đô thị mới năng động nói riêng và quy hoạch tổng thể của Thủ đô Hà Nội nói chung trong thời gian tới.

Thế nhưng, dù khởi công từ năm 2008, nhưng đến nay Apex Tower mới chỉ xây xong phần thô và nằm "đắp chiếu" nhiều năm chưa thể hoàn thiện đưa vào sử dụng.


Khu vực sảnh trước có từ 4 đến 5 doanh nghiệp dựng biển hiệu và sử dụng phần diện tích sảnh làm bãi xe với các dịch vụ kèm theo như mua – bán, sửa chữa xe ôtô.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho biết: “Với tốc độ phát triển của Hà Nội như hiện nay đây là một trong những đô thị có sức hấp dẫn rất lớn đối với các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài. Với sức hút như vậy, Hà Nội có rất nhiều dự án tuy nhiên còn chậm triển khai là do nhiều nguyên nhân như: Công tác quy hoạch, hạ tầng chưa khớp nới đồng bộ đồng thời do cơ chế giải phóng mặt bằng, giá đất hiện nay khiến nhiều người dân không đồng ý di dời... Bên cạnh đó, quản lý thị trường BĐS là một yêu cầu rất quan trọng, đa phần những người làm môi giới hiện nay không qua đào tạo và không có chứng chỉ hành nghề chính điều này đã dẫn đến việc làm rối cung – cầu thành phố đặt ra, tạo nên nhiều cơn sốt đất ảo. Vì vậy, theo tôi chúng ta cần tìm rõ nguyên nhân tại sao dự án đó chậm triển khai để có những giải pháp quyết định cụ thể”.

Hàng trăm dự án chậm triển khai, “đắp chiếu” trên địa bàn Hà Nội đang để lại những hệ lụy rất lớn về kinh tế, môi trường sinh thái, quản lý đô thị. Câu hỏi được đặt ra, là vì sao các dự án chậm triển khai, thậm chí có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai vẫn chưa bị thu hồi, xử lý kiên quyết?

Đề nghị UBND TP Hà Nội tổng kết, rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án theo quy định của pháp luật.


Khánh An/baoxaydung.com.vn
suncity oxbet bk8 s666 11bet zbet lode88 12bet nbet hb88 kubet77 fcb8 k8 mig8 top88 sbobet vnloto onebox63 vwin bet69 zowin win2888 sun hotlive bet168 ibet888 33win bong99 kubet w88 bong88 m88 vn88 xoso66 vobo88 binh88 jdb666 corona888 kimlong90 hb88g pua88 dd7 8xbet