Hà Nội: Giữ gìn bản sắc kiến trúc đình chùa cổ

Chủ nhật, 02/12/2018, 17:17 GMT+7

(Xây dựng) – Thủ đô Hà Nội là nơi còn lưu giữ được một mạng lưới các công trình tôn giáo tín ngưỡng với nhiều ngôi đình có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Không gian kiến trúc của các ngôi đình của Thủ đô cũng có những nét đặc trưng riêng, phản ánh rõ nét quá trình hình thành, phát triển của và góp phần không nhỏ tạo nên bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Chùa Một Cột

Chùa Một Cột hay Chùa Mật còn có tên khác là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài sở hữu cấu trúc kiến trúc độc đáo với một cấu trúc hình vuông nằm trên một cột đá. Đó là điểm kiến trúc đặc biệt để chùa trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn tại Hà Nội.

Chùa Diên Hựu bắt đầu xây dựng vào tháng Mười (âm lịch), năm 1049 dưới thời vua Lý Thái Tông. Trong năm 1105, vua Lý Nhân Tông cải tạo và mở rộng chùa để trở thành một quần thể kiến trúc rộng lớn ứng với hồ Linh Chiểu và thêm vào một tòa sen mạ vàng trên đỉnh cột. Bên trong tòa sen là ngôi đền màu tím với hình ảnh chim thần ở mái nhà. Có một bức tượng mạ vàng của Đức Phật Quán Thế Âm bên trong.


Chùa Diên Hựu bắt đầu xây dựng vào tháng Mười (âm lịch), năm 1049 dưới thời vua Lý Thái Tông

Các trụ cột bao gồm hai khối nối với đường kính 1,2 m và độ cao 4m (chưa kể phần chìm trong đất). Lối vào chùa là một cầu thang nhỏ làm bằng gạch. Trên các trụ cột bao gồm một hệ thống những thanh gỗ tạo thành cấu trúc rắn chắc hỗ trợ chùa, trông giống như một bông hoa sen nâng thẳng lên từ hồ. Kiến trúc này là đặc điểm độc đáo của chùa Một Cột.

Chùa còn là một biểu tượng của trí tuệ, của sự trường thọ, và sự cứu rỗi qua sự nhận thức đầy đủ trí tuệ. Không giống như bất kỳ ngôi tháp Phật giáo, chùa Một Cột mang triết lý nhân văn sâu sắc với các hình vuông bên ngoài đại diện cho âm, và các cột hình tròn đại diện cho dương. Vẻ đẹp của nó không chỉ có vẻ uy nghi cổ kính, nhưng cũng ẩn chứa phong thái thanh lịch và nhẹ nhàng của cõi Phật.


Chùa Một Cột hiện nay chỉ là một phần của quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu ngày xưa.

Chùa Một Cột gắn liền với lịch sử thủ đô Hà Nội, và từ lâu chùa Một Cột cũng là biểu tượng của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Quần thể di tích chùa Một Cột nằm trong quần thể di tích Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh nơi thu hút rất nhiều du khách gần xa đến tham quan, đây cũng là một điều kiện thuận lợi để thêm nhiều người biết đến ngôi chùa đặc biệt này.

Cầu Thê Húc

Năm 1865 dưới triều Tự Đức, Nguyễn Văn Siêu cho xây cầu nối bờ với đền Ngọc Sơn và đặt tên nó là Thê Húc, nghĩa là “giọt ánh sáng đậu lại” hay “Ngưng tụ hào quang”. Cầu gồm 15 nhịp, 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng.

Cầu đã trải qua hai lần tái thiết kế từ khi hoàn tất. Lần thứ nhất vào năm 1897 triều Thành Thái. Lần thứ hai vào năm 1952 sau khi một nhịp cầu gãy vào đêm Giao thừa do khách đi lễ đền Ngọc Sơn quá đông. Dưới sự giám sát của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, móng cầu hiện nay được đúc bằng xi măng thay vì gỗ.


Cầu Thê Húc được xây dựng vào năm 1865 dưới triều Tự Đức

Cây cầu nhỏ sẽ đưa chân du khách tách mình khỏi phố xá ồn ào vào một thế giới lặng yên của hòn đảo Ngọc giữa hồ Hoàn Kiếm, và cùng đắm mình vào không gian kiến trúc của đền Ngọc Sơn – lầu Đắc Nguyệt – đình Chấn Ba.

Cầu được xây hướng về phía đông, hướng về phía mặt trời mọc để đón được toàn vẹn nguồn dưỡng khí ấy. Với ý nghĩa như vậy, nên xưa nay cây cầu luôn mang màu đỏ để tượng trưng cho màu của sự sống, màu của mọi nguồn hạnh phúc, của ước vọng truyền đời từ cổ đại đến nay.


Cầu gồm 15 nhịp, 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng.

Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian, cây cầu đã chuyển mình cùng thời đại đến tận ngày nay. Đây chính là một trong những biểu tượng đặc trưng của thủ đô Hà Nội. Bao nhiêu năm trôi qua, thời thế thay đổi nhưng cầu Thê Húc vẫn nằm đó đón những nguồn dưỡng khí từ mặt trời và góp phần làm đẹp cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tháp Hòa Phong

Tháp nằm ở bờ đông nam hồ Hoàn Kiếm, đường Đinh Tiên Hoàng, là một di tích cổ còn sót lại của chùa Báo Ân, một ngôi chùa lớn xây năm 1842 ở Hà Nội. Năm 1888, Pháp đã phá hủy chùa Báo Ân để lấy đất xây bưu điện Hà Nội.

Vị trí ngôi chùa cửa trước nhìn ra bờ hồ, phía sau giáp bờ sông Hồng, ngang dọc có 36 nóc nhà nhưng chỉ còn Tháp Hòa Phong phía sau chùa là còn giữ lại. Tháp cao 3 tầng, tầng 1 có 4 cửa nên còn gọi là “tứ môn tháp”, một kiến trúc thường thấy trong các công trình Phật giáo.


Tháp Hòa Phong là một di tích cổ còn sót lại của chùa Báo Ân, một ngôi chùa lớn được xây dựng vào năm 1842 ở Hà Nội.

Với tuổi thọ gần 200 năm, là tòa tháp cổ kính nhất của Hà thành, Tháp phủ lên mình màu cũ kỹ của rong rêu, thế nhưng có thể thấy nét kiến trúc độc đáo vẫn khiến các vị khách phải suýt xoa trầm trồ. Tháp có hình vuông gồm có 3 tầng được xây bằng gạch nung.

Không giống với kiến trúc của các chùa đền, kiến trúc của Tháp độc đáo mà vẫn thể hiện được sự uy nghiêm mà tinh tế. Tháp không được xây cao vượt trội, chỉ có 3 tầng và tập trung ở tầng 1, tầng 1 của Tháp được xây to và cao hơn hẳn 2 tầng trên cùng. Điểm nhấn đặc biệt của Tháp chính là 4 chân trụ chắc chắn thể hiện sự vững chãi trước nắng mưa, bão tố của tòa Tháp.


Với vị trí đắc địa ngay cạnh hồ Gươm linh thiêng, chùa Báo Ân xưa được ví như “động tiên” giữa chốn kinh kỳ.

Không cầu kì về khâu trang trí, không thiên về những kiến trúc chạm khắc, thế nhưng tòa tháp hiên ngang ấy vẫn khiến mọi người phải ngước nhìn.

Đền Quán Thánh

Đền có tên chữ là Trấn Vũ Quán, xây từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa (Thăng Long tứ trấn). Ngôi đền nằm bên cạnh hồ Tây, cùng với chùa Kim Liên và chùa Trấn Quốc tạo nên sự hài hòa trong kiến trúc cảnh quan và văn hóa tín ngưỡng đối với khu vực này.


Đền được xây từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ.

Đền Quán Thánh nằm gần ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Đền nằm ở phía nam Hồ Tây, gần cửa Bắc Hà Nội.


Song hành cùng lịch sử, ngôi đền đã in dấu bao năm tháng thời gian, để toát lên một vẻ đẹp cổ kính, rất xưa, rất Hà Nội.

Không chỉ là công trình mang tính nghệ thuật lịch sử, đền Quán Thánh còn nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của người Hà Nội xưa và nay.

Thế hệ mai sau cần gìn giữ những di tích văn hóa mang ý nghĩa lịch sử bởi đây không chỉ đơn thuần là lưu giữ những kiến trúc cổ mà còn liên quan để cả lịch sử văn hóa của cả một dân tộc.

Văn Thế – Hải Nguyên (Ảnh Hà Nội xưa: Internet)


baoxaydung.com.vn
suncity oxbet bk8 s666 11bet zbet lode88 12bet nbet hb88 kubet77 fcb8 k8 mig8 top88 sbobet vnloto onebox63 vwin bet69 zowin win2888 sun hotlive bet168 ibet888 33win bong99 kubet w88 bong88 m88 vn88 xoso66 vobo88 binh88 jdb666 corona888 kimlong90 hb88g pua88 dd7 8xbet