Hà Nội: Chi cục Thi hành án dân sự quận Tây Hồ bị tố “nhập nhèm” trong cưỡng chế thi hành án

Chủ nhật, 10/03/2019, 23:33 GMT+7

Trong quá trình bán đấu giá tài sản, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Tây Hồ bị tố cưỡng chế thi hành án “quá tay” phần diện tích không nằm trong quyết định kê biên, phát mại tài sản bảo đảm thu hồi nợ theo quyết định của tòa án. Đến thời điểm này, những “lình xình” của vụ việc vẫn chưa được giải quyết, gây thiệt hại cho người dân.

Tài sản trên đất số 106, Từ Hoa bị THADS quận Tây Hồ cưỡng chế “quá tay”?

Theo bản án kinh doanh thương mại số 04/2016/KDTM-ST ngày 08/8/2016 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, Cty TNHH Thương Mại ô tô Thành Trung (Cty Thành Trung) đường Lâm Du, quận Long Biên ký kết hợp đồng (Số 01-2011/HĐTD/CNTPHN/HUONGNQ, ngày 26/1/2011) vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh TP Hà Nội số tiền 20 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm khoản nợ trên là quyền sử dụng đất (QSDĐ) diện tích 60,40m2 tại ngõ 6, cụm 4, Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ thuộc quyền sử dụng của Cty Thành Trung theo hợp đồng thế chấp ngày 15/3/2011 (đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 15/3/2011) và 1 xe ô tô con nhãn hiệu Hyundai biển kiểm soát 30S-6736, theo hợp đồng thế chấp ngày 04/8/2009.

Ngân hàng đã giải ngân cho Cty Thành Trung toàn bộ số tiền nêu trên ngày 16/3/2011. Do Cty Thành Trung gặp khó khăn trong trả nợ nên ngày 28/9/2012, hai bên đã phải ký sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của hợp đồng tín dụng nêu trên. Thời gian sau đó, Cty Thành Trung vẫn không có khả năng trả nợ nên bị ngân hàng khởi kiện ra tòa án để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ngân hàng và tuyên buộc Cty Thành Trung phải trả số tiền đã vay cả gốc và lãi.

Sau khi bản án có hiệu lực, Cty Thành Trung bị cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (7/2018) để bán đấu giá, thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng.

Khu đất của Tập thể thương binh, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307, chiến đấu tại mặt trận 579 có bị cưỡng chế nhầm!

Tuy nhiên, ngày 28/12/2018, khi cưỡng chế thi hành bàn giao tài sản bán đấu giá cho người trúng đấu giá, THADS quận Tây Hồ bị tố đã “quá tay”, khi thực hiện cưỡng chế thêm gần 13,8m2, không thuộc diện quyết định cưỡng chế, phải kê biên, bán đấu giá như trong bản án.

Theo ông Lê Đình Thắng - Đại diện Tập thể thương binh, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307, chiến đấu tại mặt trận 579 cho biết: Diện tích đất bị cưỡng chế “nhầm” nêu trên do Tập thể thương binh, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307, chiến đấu tại mặt trận 579 đang sử dụng làm nơi sinh hoạt chung. Trước kia, mảnh đất này thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thu Lệ (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) bàn giao cho Cty Thành Trung quản lý. Sau đó, Cty Thành Trung bán lại cho tập thể thương binh giá 6,9 tỷ đồng và sử dụng ổn định từ năm 2011 tới nay”.

“Hơn nữa, thửa đất của Cty Thành Trung bị bán đấu giá có mặt tiền ngõ 6, cụm 4, Nghi Tàm, phường Quảng An. Còn mảnh đất do tập thể thương binh sử dụng có mặt tiền số 106, phố Từ Hoa. Vì vậy, không thể có chuyện cưỡng chế nhầm.”, ông Thắng cho biết thêm.

Bức xúc vì việc nêu trên của THADS quận Tây Hồ, ông Thắng cùng tập thể thương binh nhiều lần gõ cửa cơ quan này đề nghị được trả lời thích đáng nhưng đã 2 tháng trôi qua sự việc vẫn trong im lặng.

Trong khi, thửa đất tập thể thương binh đang sử dụng đã bị hủy hoại tài sản, dán niêm phong không thể sử dụng.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã trao đổi với ông Nguyễn Quốc Thành – Chi Cục trưởng Chi cục THADS quận Tây Hồ. Ông Thành cho biết: Về nội dung này, Cty Thành Trung đã gửi đơn khiếu nại và rất nhiều báo đặt vấn đề rồi.

“Quy chế phát ngôn của ngành Thi hành án là Cục trưởng, vì vậy trên Cục chỉ đạo thế nào thì tôi sẽ trao đổi cụ thể. Hiện nay, tôi cũng đang giải quyết khiếu nại của Cty Thành Trung, đang kiểm tra lại toàn bộ quy trình của chấp hành viên. Do đó, nếu cần thông tin gì thì phóng viên trao đổi với văn phòng Cục.” – ông Nguyễn Quốc Thành cho biết thêm.

Luật sư Nguyễn Việt Hùng, Cty Luật Pháp Lý – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Hành vi của chấp hành viên cưỡng chế tài sản (nhà) và tài sản khác không bị một bản án hoặc quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, là tài sản hợp lệ trên đất của cá nhân được pháp luật bảo vệ, đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm hình sự theo Điều 357 tội lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ Bộ Luật hình sự năm 2015.


Nhóm PV baoxaydung.com.vn