Từ ngày 15/01/2018, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng… có hiệu lực thi hành, thay thế các Nghị định xử lý vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trước đây (Nghị định số 121/2013 và Nghị định số 180/2007). Theo đó, các hành vi xây dựng công trình trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp không còn thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng thanh tra xây dựng khiến công tác xử lý vi phạm ở cơ sở gặp nhiều lúng túng. Liệu đây có phải là bất cập của pháp luật như nhiều người lầm tưởng hay không?
Nhà ở, nhà xưởng không phép mọc tràn lan trên đất nông nghiệp tại phường Định Công, quận Hoàng Mai.
Cơ sở loay hoay xử lý vi phạm
Ghi nhận thực tế tại ra tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), trong các ngõ thuộc phố Bùi Xương Trạch, Vũ Tông Phan, hàng loạt công trình nhà ở, nhà xưởng không phép đua nhau mọc lên. Đặc biệt, những khu vực đất có hoạt động xây dựng không phép này đều thuộc quỹ đất nông nghiệp; trong khi những khu đất này chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, thì hành vi xây dựng trên là hành vi trái pháp luật.
Đại diện chính quyền phường Khương Đình cũng xác nhận: Nhiều khu vực đúng là đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi thành đất ở nhưng đến nay đã hình thành những khu nhà ở, khu dân cư, tổ dân phố. Thực trạng này diễn ra từ hàng chục năm nay, nhưng việc xử lý các trường hợp vi phạm này không hề đơn giản.
Cụ thể hơn, một cán bộ Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân nhận định: Việc xử lý vi phạm thực tế khó thực hiện bởi vì: Nếu căn cứ theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, những trường hợp này chỉ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả ngay.
Tuy nhiên, việc ra quyết định xử phạt lại thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, không thuộc thẩm quyền của lực lượng thanh tra xây dựng. Còn theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực xây dựng thì không có chế tài để xử phạt những hành vi này. Nếu xử lý theo NĐ 102/2014/NĐ-CP thì việc phá dỡ công trình không kịp thời, chỉ trong thời gian ngắn và đặc biệt những ngày nghỉ thì công trình đã được xây dựng hoàn thành.
Đồng chí N.V.Đ – Chủ tịch UBND một phường trên địa bàn quận Hoàng Mai chia sẻ thêm: Nếu cùng hành vi vi phạm đó, căn cứ theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP thì ngay sau khi nhận được báo cáo của cán bộ địa chính hoặc thanh tra xây dựng, chủ tịch phường sẽ ra quyết định xử phạt, chỉ đạo thành lập tổ công tác để tiến hành cưỡng chế phá dỡ kịp thời, tránh phát sinh hậu quả nghiêm trọng, kéo dài.
Còn căn cứ theo Nghị định 139/2017, đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, sau khi lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình, phải chờ hết thời hạn 60 ngày, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình được giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì mới áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Quy định này không thật sự phù hợp với thực tế, vì nhiều trường hợp vi phạm khi lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt đã biết trường hợp này không đủ điều kiện và không thể cấp phép.
Việc gia hạn 60 ngày để xin phép xây dựng là không cần thiết và gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm, vì để thời gian càng dài thì sẽ phát sinh thêm vi phạm và khi cưỡng chế sẽ gây thiệt hại cho cả người vi phạm và cả ngân sách Nhà nước.
Cần một lời giải chung!
Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của Thủ đô Hà Nội ngày càng cao, hàng loạt dự án đã và đang triển khai tạo nên diện mạo mới khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, đi kèm với đó, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, vi phạm trật tự xây dựng diễn ra ngày càng phức tạp.
Đặc biệt là hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Tiến hành xây dựng nhà ở, nhà xưởng; mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp trái phép đang diễn ra rầm rộ, tràn lan không chỉ ở các quận, huyện ngoại thành như: Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Sóc Sơn, Ba Vì… mà ngay các quận ở nội thành như: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ.
Đáng nói, những điều mắt thấy tai nghe này ngày càng diễn ra công khai, rầm rộ mặc dù chế tài xử phạt đã được quy định rất cụ thể tại Nghị định NĐ 102/2014/NĐ-CP và NĐ 139/2017/NĐ-CP.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Nhận thấy những khó khăn, bất cập khi triển khai áp dụng Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ để xử lý đối với các hành vi xây dựng công trình trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, là cơ quan thường trực, đầu mối của thành phố trong công tác quản lý trật tự xây dựng, Sở Xây dựng đã có ý kiến đề xuất Ủy ban khoa học Quốc hội tại buổi làm việc với UBND thành phố tháng 5/2018, đã có ý kiến đề xuất với Bộ Xây dựng tại các buổi làm việc giữa Bộ Xây dựng và UBND thành phố vào tháng 6 và tháng 9/2018, đồng thời đã tiếp tục đề xuất nội dung trên tại cuộc họp ngày 25/12/2018 do Bộ Tư pháp chủ trì lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã có Văn bản số 1559/SXD-TTr ngày 26/02/2019 đề nghị UBND thành phố giao Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành quy trình xử lý chung đối với các trường hợp vi phạm đất đai liên quan đến hoạt động xây dựng trên đất chưa phải là đất xây dựng công trình (đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp…).
Quan điểm của Thanh tra Sở Xây dựng về vấn đề này là nhất quán, xuyên suốt: Mọi hành vi vi phạm đều phải xử lý triệt để, dứt điểm nhưng việc xử lý của các cơ quan chức năng phải đảm bảo tuân thủ theo các quy định hiện hành của pháp luật”.
Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân).
Có thể khẳng định, Nghị định 102/2014/NĐ-CP và Nghị định 139/2017/NĐ-CP là hai lĩnh vực thuộc hai ngành, hai Bộ khác nhau nên thẩm quyền xử lý không được chồng chéo. Việc lựa chọn áp dụng theo lĩnh vực nào, Nghị định nào để xử lý vi phạm một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất hoàn toàn do chính quyền địa phương lựa chọn áp dụng, giao trách nhiệm cho bộ phận nào, lực lượng nào phù hợp để tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm; tùy từng trường hợp cụ thể để đề xuất với chính quyền địa phương áp dụng xử lý theo NĐ102/2014/NĐ-CP hoặc Nghị định 139/2017/NĐ-CP một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Bởi vì, dù là Nghị định nào thì thẩm quyền cũng thuộc về chính quyền địa phương.
Nếu thấy cần thiết, thì UBND TP Hà Nội cần có một quy định hướng dẫn cho lực lượng Thanh tra Xây dựng (vì lực lượng này đông, dễ nắm bắt địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện) để thực hiện việc kiểm tra, thanh tra; trường hợp nào thuộc thẩm quyền xử lý của Thanh tra xây dựng thì Thanh tra xây dựng xử lý theo thẩm quyền, trường hợp nào thuộc NĐ 102/2014/NĐ-CP thì lập biên bản để chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền. Như vậy, mọi hành vi vi phạm sẽ được xử lý đúng, kịp thời.
Cũng cần nói thêm rằng, những khu dân cư như đã nêu mặc dù xây dựng trên đất nông nghiệp kéo dài hàng chục năm nay mà chính quyền cho rằng không thể xử lý được, điều này thật vô lý. Trách nhiệm này phải thuộc về chính quyền địa phương các cấp.
Về nguyên tắc, đây là những khu dân cư đã ổn định. Vì vậy, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng, thực hiện việc quy hoạch để xây dựng một khu dân cư đảm bảo điều kiện sống và sinh hoạt của nhân dân.
Trên địa bàn TP Hà Nội có thể nói có hàng ngàn khu dân cư xây dựng như vậy mà chính quyền vẫn gọi là “xây dựng trái phép”. Điều này không thể để tiếp tục kéo dài làm đời sống người dân không ổn định, mà nguồn thu của ngân sách Nhà nước cũng bị thất thu. Đây là vấn đề nhức nhối mà UBND TP Hà Nội và các cấp chính quyền cần nghiên cứu để xử lý.
Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, trong hai năm 2017 - 2018, Sở đã lập hồ sơ, trình UBND thành phố quyết định thu hồi 109.358m2 đất vi phạm; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình thành phố thu hồi 12 dự án với tổng diện tích 2.868.112m2 đất. Tình trạng lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất sai quy định, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp... vẫn còn xảy ra tại các địa phương trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, những vi phạm trong sử dụng đất đai không chỉ từ người dân mà còn từ các doanh nghiệp. Cũng trong năm 2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 4677/UBND-ĐT về việc kiểm tra, theo dõi, xử lý đối với 39 dự án bị chấm dứt hoạt động, vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố.