Thời gian qua, giới kinh doanh bất động sản (BĐS) phía Đông Hà Nội liên tiếp quảng bá việc Gia Lâm lên quận vào năm 2020. Cùng với đó, việc xây cầu Trần Hưng Đạo nối liền 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên cũng sắp được thành phố triển khai xây dựng.
Đoạn cuối đường Trần Hưng Đạo gần Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Theo đó, một số thông tin cho rằng, cầu Trần Hưng Đạo sẽ được xây dựng nối liền phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), tới đường Cổ Linh (quận Long Biên). Tuy nhiên khi nào Hà Nội xây cầu Trần Hưng Đạo hay xây dựng hầm chui qua sông Hồng vẫn còn là một ẩn số.
Thông tin về việc chuẩn bị đầu tư xây dựng nhiều cầu vượt sông Hồng, sông Đuống đã nhận được sự quan tâm của người dân và dư luận. Trong đó, công trình vượt sông Hồng từ đường Trần Hưng Đạo nhận được sự chú ý đặc biệt. Nếu lựa chọn phương án xây hầm, đây là lần đầu tiên Hà Nội có một công trình ngầm vượt sông Hồng.
Tuy nhiên, trước đó thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, công trình vượt sông đoạn qua đường Trần Hưng Đạo được xây dựng với mục tiêu kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Đông của thành phố. Đồng thời, góp phần giảm tải áp lực giao thông cho cầu Long Biên và cầu Chương Dương. Với chiều dài 3km và rộng 20m, công trình dự kiến có tổng mức vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, theo hình thức hợp tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2019.
Đáng chú ý, trong trong tấm bản đồ quy hoạch phân khu đô thị N10 (đã được TP Hà Nội phê duyệt), sự xuất hiện của cây cầu Trần Hưng Đạo (dự kiến quy hoạch) được ghi khá rõ. Cụ thể, phân khu đô thị N10 nằm trong địa giới hành chính các phường: Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề ,Gia Thụy, Thượng Thanh, Đức Giang, Việt Hưng, Giang Biên, Long Biên, Phúc Đồng, Cự Khối, Sài Đồng, Thạch Bàn, Phúc Lợi – quận Long Biên; xã Cổ Bi, Đông Dư – huyện Gia Lâm – TP Hà Nội.
Nút giao Cổ Linh thuộc địa bàn quận Long Biên.
Trước đó, công trình này được dự kiến là “cầu chui Trần Hưng Đạo” với chiều dài khoảng 3,1km, có điểm đầu tại nút giao với đường Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng; kết thúc tại nút giao cắt với đường Long Biên - Thạch Bàn, quận Long Biên.
Tuy nhiên, nguồn ngân sách xây dựng, thời gian khởi công, dự kiến hoàn thành và phương án thi công thiết kế đến nay vẫn chưa có bất cứ cơ quan nào (UBND, Sở GTVT, Sở Xây dựng hay Sở KH&ĐT) lên tiếng cụ thể. Trong khi đó, giới BĐS thì khẳng định "như đinh đóng cột", do việc xây hầm tốn kém nên Hà Nội đã chọn phương án xây cầu Trần Hưng Đạo. Cùng với việc tung tin sắp khởi công xây cầu, các bản vẽ "mô phỏng" cây cầu này cũng được tung ra để tạo niềm tin cho giới đầu tư bất động sản.
Cây cầu Trần Hưng Đạo được mô phỏng dưới con mắt của giới BĐS (Nguồn InFonet).
Chưa rõ khi nào cầu Trần Hưng Đạo mới được khởi công, nhưng thị trường BĐS và các dự án chung cư tại quận Long Biên (như HC Golden City, TSG Lotus Sài Đồng hay One 18) và đặc biệt là tại huyện Gia Lâm với siêu dự án Vincity Ocean Park đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết.