Hà Nội: Bài toán khó giải về nhà “siêu mỏng, siêu méo”

Thứ bảy, 30/03/2019, 20:57 GMT+7

Mặc dù chính quyền thành phố đã có nhiều biện pháp để xóa bỏ nhà “siêu mỏng, siêu méo” nhưng đến nay, những căn nhà kỳ dị này vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức dư luận. Đặc biệt, mỗi một tuyến đường mới được mở ra thì những căn nhà “siêu mỏng, siêu méo” lại được mọc lên như nấm.


Ngôi nhà có hình thù siêu méo ngay ngã tư Tôn Thất Tùng – Trường Chinh.

Theo thông tin được biết trước thời điểm 2015, toàn TP Hà Nội có trên 300 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Sau nhiều năm phối hợp xử lý, tính đến đầu tháng 6/2017, đã “thanh lý” được 160 công trình. Điều đó đồng nghĩa với việc các dạng nhà, đất không đủ điều kiện để xây dựng tồn đọng cũ tính đến nay giảm còn 132 trường hợp. Đây là những trường hợp đất còn lại nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng xây dựng các tuyến phố, đường trục chính từ nhiều năm trước.


Trên km13 đường Ngọc Hồi, Thanh Trì có rất nhiều các công trình “kỳ dị” được mọc lên.

Thực tế hiện nay cho thấy nhiều trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại cũ còn chưa xử lý thì nay lại phát sinh thêm nhiều trường hợp trên các tuyến đường mới mở. Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, trên các con đường như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công… đã xuất hiện nhiều công trình “siêu mỏng, siêu méo” vô cùng xấu xí sau khi mở đường.


Sau khi tiến hành mở rộng tuyến đường Phạm Văn Đồng rất nhiều các công trình “siêu mỏng, siêu méo” được mọc lên.

Nhiều chuyên gia cho rằng: “Suy cho cùng thì câu chuyện nhà “siêu mỏng, siêu méo” chỉ là một trong rất nhiều biểu hiện bất cập của công tác quản lý đô thị và phát triển đô thị hiện nay. Nếu chừng nào một thiết kế đô thị chuẩn, thiết chế cho thẩm mỹ công cộng còn chưa được quan tâm đúng mức thì chừng đó vẫn chưa thể giải quyết được gốc rễ vấn nạn bộ mặt đô thị luôn vụn vặt và thiếu bản sắc”.


Nhan nhản những ngôi nhà “siêu mỏng” đến không ngờ trên đường Võ Chí Công.

Những căn nhà, lô đất “siêu mỏng, siêu méo” sẽ bị thu hồi để phục vụ mục đích công cộng. Đây là một nội dung trong Văn bản số 1758/UBND-ĐT ngày 24/4/2018 của UBND TP Hà Nội ban hành 24/4/2018 nhằm xử lý các trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh hoặc tồn đọng cũ trước năm 2005. Dù văn bản này được nhiều người đồng tình tán thưởng, thế nhưng, trên thực tế, những căn nhà mỏng, nhà méo này lại thường là nhà mặt phố, vẫn được tận dụng để kinh doanh, do đó ở góc độ nào đó vẫn là một tài sản có giá trị của người dân.


Một công trình khác có hình thù “kỳ dị” tại địa chỉ 102 Trường Chinh.

Liên quan đến những bất cập về nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.


Quang Dương / baoxaydung.com.vn