Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại còn 80 trường hợp công trình vi phạm trước năm 2018 còn tồn chưa xử lý, riêng công trình tồn đọng năm 2015 và năm 2016 là 43 trường hợp; năm 2017 còn tồn 37 trường hợp.
Hàng ngàn trường hợp vi phạm đất rừng được Thanh tra TP Hà Nội chỉ ra trên địa bàn huyện Sóc Sơn. (Ảnh: T/L)
Ngày 25/3, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại còn 80 trường hợp công trình vi phạm trước năm 2018 còn tồn chưa xử lý, riêng công trình tồn đọng năm 2015 và năm 2016 là 43 trường hợp; năm 2017 còn tồn 37 trường hợp.
Giám sát của HĐND thành phố đã chỉ rõ một số trường hợp vi phạm điển hình. Đơn cử như trường hợp biệt thự xây trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai vào tháng 9/2016. Sau phiên chất vấn kỳ 4 HĐND, công trình vi phạm này được cho là phải tháo dỡ nhưng theo giám sát của HĐND thành phố mới nhất vào tháng 2/2019, căn biệt thự vẫn bề thế giữa cánh đồng; hay những vi phạm từ năm 2017 ở xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, hàng nghìn m2 đất công bị biến thành nhà xưởng, bãi trông giữ phương tiện giao thông, hoạt động tấp nập ngay cạnh đường Nhật Tân - Nội Bài. Đến thời điểm tháng 3/2019, vi phạm không được xử lý, thậm chí còn có những công trình mới phát sinh…
Bên cạnh đó, theo HĐND TP Hà Nội, hiện nay nhiều công trình siêu mỏng siêu méo vẫn tồn tại, thậm chí bên cạnh những công trình cũ chưa xử lý được thì từ năm 2016 đến nay, đã phát sinh thêm 21 trường hợp. Điển hình, tuyến đường Phạm Văn Đồng, đoạn thuộc địa bàn quận Cầu Giấy đến thời điểm này vẫn còn 4 công trình.
Ngoài ra, vi phạm trên đất rừng phòng hộ, đất lâm nghiệp vẫn diễn ra nhức nhối dù đã được thành phố hết sức quan tâm, kiểm tra, ban hành nhiều kết luận xử lý.
UBND TP Hà Nội cũng đã giao trách nhiệm cho Thanh tra thành phố có kết luận, xử lý các sai phạm, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng việc xử lý các sai phạm trên đất lâm nghiệp không triệt để, dẫn đến một số địa phương vẫn tái phạm, thậm chí ở mức độ và quy mô ngày càng lớn hơn.