Hà Nam: Cần tính toán lại cung – cầu đá xây dựng

Thứ hai, 11/03/2019, 15:39 GMT+7

Hà Nam có lợi thế về vùng nguyên liệu đá vôi chất lượng tốt nhất cả nước nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong quản lý Nhà nước về vật liệu xây dựng (VLXD), đặt ra bài toán về cung – cầu để điều chỉnh quy hoạch phát triển VLXD phù hợp.


Tỉnh Hà Nam cần tính toán lại cung - cầu về đá xây dựng để điều chỉnh quy hoạch phát triển VLXD cho phù hợp.

Khó tiêu thụ sản phẩm và kiểm soát môi trường

Theo báo cáo kết quả kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về VLXD của Bộ Xây dựng tại tỉnh Hà Nam, tính đến ngày 31/12/2018 công suất khai thác đá vôi làm VLXD thông thường đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác gần 15 triệu m3/năm cho 73 mỏ.

Trong đó, 65 giấy phép dài hạn, 8 giấy phép ngắn hạn. Hiện công suất khai thác đá vôi làm VLXD thông thường đạt xấp xỉ khoảng 11 triệu m3/năm, cao hơn so với nhu cầu của thị trường. Một số điểm mỏ đã được bổ sung vào quy hoạch mỏ đá vôi làm vôi và đôlômít nung.

Lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công thực hiện nghiêm nhưng số lượng dây chuyền sản xuất gạch tuynel có tổng công suất lớn dẫn đến việc đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu đất sét để sản xuất đang là áp lực lớn cho nhà đầu tư, trong khi việc đầu tư sản xuất VLXD không nung không hiệu quả, tiêu thụ chậm và không phát huy được công suất. Lộ trình xóa bỏ toàn bộ lò vôi thủ công diễn ra chậm còn các dự án đầu tư dây chuyền mới chưa có mỏ nguyên liệu.

Tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác và chế biến VLXD đã cải thiện, tuy nhiên ở một số khu vực ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, phát thải gây ô nhiễm chủ yếu là do sản xuất và vận chuyển vật liệu trên các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm việc lắp đặt trạm quan trắc tự động theo quy định.

Một số nhà máy xi măng có các chỉ tiêu tiêu hao nhiệt năng, điện năng, nồng độ bụi phát thải vượt mức quy định tại Quyết định 1488/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/8/2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, như: Xi măng Bút Sơn, Xuân Thành (dây chuyền 1), Vissai Hà Nam, Hoàng Long. Chỉ có 01 cơ sở đã đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện.

Đặc biệt, việc quản lý, thanh tra, kiểm tra các hoạt động tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của các cơ sở sản xuất hàng hóa VLXD của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng hàng hóa VLXD chưa thực hiện thường xuyên và báo cáo định kỳ Bộ Xây dựng theo quy định. Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng VLXD lưu thông trên thị trường còn hạn chế.

Điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp

Đoàn kiểm tra của Bộ Xây dựng đã giải đáp các vướng mắc, kiến nghị và chỉ rõ các vấn đề tồn tại trong quản lý VLXD của tỉnh Hà Nam. UBND tỉnh đã tiếp thu và yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân đồng thời bổ sung đầy đủ và báo cáo các số liệu sản xuất và tiêu thụ các chủng loại VLXD năm 2018, tổng hợp số lượng các công trình vốn ngân sách sử dụng 100% VLXD không nung, báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản, báo cáo tình hình quản lý Nhà nước về khoáng sản.

Tính toán lại cung - cầu về đá xây dựng trên địa bàn để điều chỉnh quy hoạch phát triển VLXD cho phù hợp. Tổ chức sắp xếp lại các khu vực khai thác cát có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến dòng chảy và có tác động tới môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cát nghiền thay thế cát tự nhiên. Không sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp. Đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ cát xây dựng theo đúng quy định pháp luật về khoáng sản.

Giám sát việc thăm dò, khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản làm VLXD, tránh việc quản lý cấp phép chồng chéo với các quy hoạch khác, kiểm tra, giám sát công tác cải tạo và phục hồi môi trường, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản làm VLXD trái phép, đặc biệt là cát lòng sông.

Kiểm tra việc lắp đặt nhiệt thừa khí thải để phát điện, lắp đặt trạm quan trắc môi trường kết nối Sở Tài nguyên và Môi trường tại nhà máy xi măng. Thực hiện nghiêm lộ trình xóa bỏ công nghệ lạc hậu trong sản xuất vôi thủ công.

Cấp phép đầu tư các dự án nhà máy gạch tuynel cần tính toán trên cơ sở nhu cầu thực tế tại địa phương và quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét, trên quan điểm thực hiện đúng lộ trình chấm dứt đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung theo Chương trình phát triển VLXD không nung đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cần có cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở thực hiện lộ trình dừng sản xuất vôi thủ công, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các hộ sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc Thông tư số 10/2017/TT-BXD ngày 29/9/2017 về việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với hàng hóa là VLXD. Tăng cường việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh VLXD và hàng hóa VLXD lưu thông, sử dụng trên thị trường.


Thanh Nga / baoxaydung.com.vn