(Xây dựng) - Sau khi nhận được Công văn số 4304/UBND-CT của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị góp ý Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (Đề án dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế), Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Một góc TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Nguồn: Internet)
Theo đó, về cơ sở pháp lý: Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đề án dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế có nội dung liên quan đến không gian mạng, do đó, đề nghị bổ sung Luật An ninh mạng vào phần cơ sở pháp lý của Đề án.
Ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 950/QĐ-TTg). Đề án dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế có nội dung thực hiện một số giải pháp của Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, do đó, đề nghị bổ sung Quyết định số 950/QĐ-TTg vào phần cơ sở pháp lý của Đề án.
Về thực trạng phát triển dịch vụ đô thị thông minh: Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công, xây dựng Chính phủ điện tử, trong ba năm 2015 - 2017.
Đề án dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất mục tiêu “đảm bảo mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện trên cơ sở hạ tầng thông tin số rộng khắp”, do đó, để làm rõ cơ sở đề xuất các nhiệm vụ cụ thể của Đề án, đề nghị bổ sung:
Đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công, xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
Đánh giá cụ thể hơn về khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người dân trong việc sử dụng dịch vụ đô thị trực tuyến hiện nay.
Về các nhiệm vụ ưu tiên triển khai: Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 6/2018 (Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 10/7/2018 của Chính phủ) đã quyết nghị về xây dựng Chính phủ điện tử “hướng tới nền kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương “tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế cơ bản phục vụ cho việc xây dựng Chính phủ điện tử”, “thực hiện nhận gửi, nhận văn bản điện tử thông qua phần mềm kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ; triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng các dịch vụ công trực tuyến theo đúng lộ trình”. Do đó, đối với mục tiêu tổng quát của Đề án dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề nghị nghiên cứu tiếp tục mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đồng thời bổ sung mục tiêu thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo nghiên cứu, lồng ghép nội dung, kế hoạch thực hiện các lĩnh vực cụ thể của Đề án dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế trong tổng thể kế hoạch, lộ trình thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam.