Giáo sư Vũ Trọng Hồng: Cống hoá sông Tô Lịch sẽ để lại nhiều hệ lụy

Thứ năm, 11/07/2019, 21:11 GMT+7

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của HĐND TP Hà Nội ngày 8/7, Bí thư quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn đề nghị thành phố xem xét cống hoá với một số sông có tính chất kênh, mương thoát nước như Tô Lịch, Kim Ngưu vì cho rằng sẽ góp phần giảm thiểu việc xả thải, tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thuỷ lợi đã không tán thành đề xuất này. GS Vũ Trọng Hồng, cựu Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho rằng cống hóa sông Tô Lịch "không đơn giản là đổ bê tông đậy nắp như bể phốt". Việc này chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt về đường giao thông, bãi đỗ xe nhưng không xử lý được vấn đề chính là thoát nước, ô nhiễm nước thải và sẽ để lại nhiều hệ lụy cho quy hoạch của thành phố. 

Việc nắn dòng, cải tạo mặt đáy, dựng bờ kè để đổ nắp cống sẽ tốn kinh phí lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, vấn đề về môi trường vẫn chưa thể giải quyết.

GS Hồng đánh giá, Tô Lịch từ lâu đã không còn là dòng sông theo đúng nghĩa mà chỉ còn chức năng tiêu thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt, chống ngập úng như một con mương. Một số đoạn sông từ hồ Tây đến đường Hoàng Quốc Việt đã được cống hóa. Tuy nhiên, để cống hóa cả dòng sông dài 14 km phải lập phương án thiết kế lại toàn bộ dòng chảy, nạo vét lòng sông tạo độ dốc, đục phá hai bên bờ.

"Khi chưa tách được nước thải để xử lý, rác, bùn lắng sẽ gây ách tắc dòng chảy. Nếu xây cống sẽ rất khó để nạo vét, khơi thông", ông Hồng nói.

Theo GS Hồng, giải pháp lâu dài để sông Tô Lịch "hồi sinh" là cần thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý, nạo vét bùn tầng đáy, sau đó lắp đặt trạm bơm công suất lớn để dẫn nước tạo dòng chảy.

Sông Tô Lịch đoạn gần cầu Trung Hòa (Cầu Giấy). Ảnh: Tất Định

Sông Tô Lịch đoạn gần cầu Trung Hòa (Cầu Giấy). Ảnh: Tất Định

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố cho hay, vấn đề cống hóa từng được thành phố đưa ra bàn thảo từ năm 2003, khi bắt đầu xây bờ kè sông Tô Lịch.

"Bốn dòng sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét chảy uốn lượn quanh thành phố là cảnh quan hiếm có, thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho Hà Nội. Dòng sông ô nhiễm, tại sao chúng ta không tìm cách cứu mà lại tính đến việc xóa sổ nó?", ông Nghiêm nói và cho rằng, để phát triển đô thị có bản sắc riêng, yếu tố cảnh quan thiên nhiên luôn phải ưu tiên hàng đầu.

Từng nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, sông Tô Lịch đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa của thủ đô. Năm 1010, đoàn di đô của vua Lý Công Uẩn đi ngược sông Đáy, sông Hồng rồi vào sông Tô Lịch, xây dựng kinh thành Thăng Long.

Dòng sông cũng là con đường giao thương, hình thành nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng xưa kia như làng Nghĩa Đô, Yên Thái, Kẻ Cót có nghề làm giấy dó, nghề kim hoàn ở Định Công Thượng, vùng Láng có rau húng Láng trồng ven sông...

"Việc cống hóa sông Tô Lịch không khác gì đổ bê tông đè lên lịch sử, xóa bỏ nơi sản sinh ra nguồn cội văn hóa của thủ đô", ông Tiến bày tỏ.

Sông Tô Lịch nhìn từ trên cao. Ảnh: Giang Huy

Sông Tô Lịch nhìn từ trên cao. Ảnh: Giang Huy

Hà Nội từng nhiều lần lên kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch. Năm 2003, thành phố đã nạo vét và kè hai bên bờ sông, năm 2011 nghiên cứu phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch từ sông Nhuệ.

Năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công ty Thoát nước Hà Nội thả 38 cụm bè thủy sinh từ đoạn Hoàng Quốc Việt đến Nguyễn Trãi nhằm tạo cảnh quan và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Cuối năm 2015, thành phố giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với Hà Lan để nghiên cứu các giải pháp cải tạo sông Tô Lịch.

Tháng 3/2017, UBND Hà Nội tiếp nhận khoản tài trợ ODA không hoàn lại khoảng 700.000 USD để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch khu vực Vĩnh Ninh – Đại Áng. Trong đó, nổi bật là dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày, đêm, được khởi công vào tháng 10/2016, bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Hà Nội đang thực hiện một số dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch, bước đầu đã cho hiệu quả tốt, làm giảm mùi, giảm độ dày bùn, tăng lượng oxy hòa tan.

Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889, Pháp cho lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường.

Sông Tô Lịch ngày nay dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cống xả nước thải.


Tất Định/vnexpress.net
suncity oxbet bk8 s666 11bet zbet lode88 12bet nbet hb88 kubet77 fcb8 k8 mig8 top88 sbobet vnloto onebox63 vwin bet69 zowin win2888 sun hotlive bet168 ibet888 33win bong99 kubet w88 bong88 m88 vn88 xoso66 vobo88 binh88 jdb666 corona888 kimlong90 hb88g pua88 dd7 8xbet