Từ nhiều năm nay, các làng nghề truyền thống của thành phố Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập cho một bộ phận lao động địa phương, nhưng do sản xuất tự phát nên nhiều làng nghề đã gây ra những tác động bất lợi đối với môi trường.
Đúc cơ khí ở Mỹ Đồng. (Nguồn: vi.wikipedia.org)
Vì vậy, việc huy động các nguồn lực theo hướng xã hội hóa, từng bước giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm ở các làng nghề đã và đang được thành phố triển khai thực hiện.
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 39 làng nghề với nhiều loại hình ngành nghề khác nhau như mây, tre, gỗ, cơ khí, tái chế phế liệu, chế biến các sản phẩm nông-lâm-thủy sản, dịch vụ vận tải, chế biến vật liệu xây dựng… Trong đó có 18 làng nghề được công nhận và 21 làng nghề chưa được công nhận. Đặc biệt, có hai làng nghề gây ô nhiễm môi trường cao là làng nghề đúc, cơ khí Mỹ Đồng (xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên) và làng tái chế phế liệu Tràng Minh (phường Tràng Minh, quận Kiến An).
Hai làng nghề này nằm trong danh sách những làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng phải thực hiện khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, nhưng đến nay chưa thực hiện được triệt để do thiếu vốn.
Làng nghề Tràng Minh có từ những năm 1980, chủ yếu thu gom, sơ chế, mua bán các loại phế liệu như nilông, bao nhựa, chai nhựa, đồng, nhôm, sắt… hiện có gần 100 hộ kinh doanh, buôn bán và tái chế phế liệu. Tại đây, hầu hết phế liệu đều chưa được làm sạch. Các hộ kinh doanh tập kết các bãi phế liệu ngay trong khu dân cư, trong sân của mỗi hộ gia đình. Vào ngày nắng mùi hôi bốc lên nồng nặc, còn ngày mưa, nước mưa mang theo các chất cặn dầu mỡ từ các “núi” phế thải chảy tràn vào hệ thống thoát nước của khu dân cư... gây ô nhiễm môi trường.
Đối với làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng, mặc dù đã có dự án khắc phục ô nhiễm trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng từ năm 2015, nhưng do có thay đổi về các hạng mục và cơ cấu nguồn vốn nên dự án đã được thẩm định lại. Ủy ban Nhân dân thành phố đang xem xét, phê duyệt dự án, với quy mô vốn đầu tư trên 81 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương.
Làng nghề có 168 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó 50% làm nghề đúc, còn lại là gia công cơ khí. Do phần lớn các hộ sản xuất đốt lò trong xưởng, nguyên liệu, vật liệu vứt bừa bãi, khu vực lò đốt nằm sát khu vực để vật liệu, nên nguy cơ cháy nổ cao. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, mùi, khí thải từ hoạt động nấu gang tại các hộ đúc đồng khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hiện xã Mỹ Đồng đã di dời được 21 hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư.
Ngoài hai làng nghề trên, còn một số các làng nghề khác tại Hải Phòng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đáng lo ngại nhất là các làng nghề đúc, cơ khí, tái chế phế liệu, chế biến thủy sản… nên hàng năm các cơ quan chức năng có tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của làng nghề trên địa bàn, nhưng chưa thường xuyên. Việc kiểm tra giám sát khắc phục vi phạm còn mang tính hình thức, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường chưa nghiêm, nên nhiều cơ sở sản xuất tại các làng nghề còn tái phạm.
Trước thực trạng trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành quy định không cho phép thành lập mới các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao tại các làng nghề; đồng thời hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở, hộ sản xuất tại các làng nghề. Bên cạnh đó, thành phố bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó ưu tiên xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường làng nghề, thành phố Hải Phòng đã xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các mô hình xã hội hóa trong xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư bảo vệ môi trường làng nghề.
Thành phố huy động cộng đồng đóng góp nguồn lực để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; triển khai những mô hình xã hội hóa bảo vệ môi trường đối với từng loại làng nghề, gắn với các hoạt động kinh tế-xã hội và văn hóa của cộng đồng làng nghề, từ đó nhân rộng mô hình xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tại địa phương. Thành phố cũng khuyến khích việc xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường làng nghề, cụ thể hóa các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của thành phố.
Mặt khác, Hải Phòng tích cực xúc tiến di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, tùy thuộc vào đặc điểm thực tế của địa phương theo hướng quy hoạch tập trung thành cụm công nghiệp, chú trọng áp dụng quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ, bao gồm hệ thống đường giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom và xử lý chất thải; khu sản xuất theo đặc thù loại hình làng nghề…
Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp tục bố trí, huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án xử lý nước thải làng nghề; xây dựng chính sách, giải pháp hỗ trợ để cải thiện chất lượng môi trường tại các làng nghề trên địa bàn.
Thành phố thực hiện tham vấn cộng đồng trong bảo vệ môi trường làng nghề; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nơi để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về bảo vệ môi trường làng nghề, khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện môi trường, thu gom và tái chế chất thải, nhất là kiểm soát, từng bước loại bỏ công nghệ cũ, lạc hậu tại các làng nghề đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng./.