Trên địa bàn các xã Đa Tốn, Đông Dư, Bát Tràng và Đình Xuyên (huyện Gia Lâm) đang có hàng loạt công trình xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp. Do không được ngăn chặn kịp thời nên tình trạng vi phạm quy hoạch này ngày càng nghiêm trọng.
Cụm công nghiệp “chui" rộng tới 5ha
Nhiều người dân xã Đa Tốn cho biết, thời gian qua, trên địa bàn xã có hàng chục công trình vi phạm xây dựng "mọc" trên đất nông nghiệp. Đặc biệt, nhiều công trình ở vị trí đắc địa trên tuyến đường Hà Nội- Hưng Yên.
Đơn cử, dự án Cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế, kết hợp dịch vụ của Cty TNHH đường Hà Nội- Hưng Yên. Dự án này triển khai trên khu đất rộng hơn 10.000m2, được xác định có 8/12 công trình xây dựng không đúng phương án được duyệt, trong đó nổi bật nhất là công trình xây gạch đỏ kiên cố, cao hơn 2 tầng, có vị trí sát tuyến đường Hà Nội- Hưng Yên.
Cách dự án này khoảng 200m là khu nhà trưng bày sản phẩm của Cty CP Kinh doanh & Phát triển thương mại Sông Hồng. Khu nhà nằm trên phần diện tích vốn là phân xưởng Việt Hưng cũ, đã nhiều lần bị cơ quan chức năng đình chỉ thi công. Theo đó, thanh tra xây dựng từng lập biên bản công trình xây dựng không phép. Tuy nhiên, đến ngày 16/10/2016, chủ đầu lại cho người vào thi công tiếp nhiều hạng mục vi phạm. Cụ thể, trong văn bản chấp thuận của huyện Gia Lâm ban hành tháng 11/2016 chỉ cho phép chủ đầu tư xây dựng công trình kết cấu tạm gồm: Cột thép, vì kèo thép, mái tôn, trần thạch cao dễ di chuyển. Thế nhưng, chủ đầu tư lại tự ý chuyển hệ thống cột thép bằng cột bê tông kiên cố và dựng thêm 140m2 mái vẩy.
Từ nhiều năm qua, một Cụm công nghiệp “chui” rộng tới 50.000m2 (5ha) với hàng chục nhà xưởng quy mô lớn đã được hình thành tại thôn Cung Đình, xã Đình Xuyên. Người dân sinh sống tại đây cho biết, khu đất xây khu nhà kho, nhà xưởng sản xuất ván ép này là đất nông nghiệp được giao cho người dân theo Nghị định 64/CP.
Thế nhưng, khoảng 10 năm nay, xuất hiện một số người thuê lại đất của người dân để dựng nhà xưởng. Một số hộ dân trên địa bàn cũng tự ý xây dựng nhà xưởng sản xuất. Trao đổi với PV, đại diện Đội Thanh tra xây dựng huyện Gia Lâm cũng xác nhận, đất triển khai khu nhà xưởng tại thôn Cung Đình, xã Đình Xuyên thực ra đều là đất nông nghiệp hình thành từ nhiều năm trước chưa được xử lý. Điều đáng nói, khu nhà xưởng sai phép này khá hoành tráng và nằm rất gần trụ sở UBND xã Đình Xuyên mà chính quyền không hay biết.
Xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm xuất hiện nhiều công trình vi phạm xây dựng hoành tráng
Tháng 3/2016 Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội ban hành Quy hoạch tổng mặt bằng quy hoạch xã Bát Tràng. Theo đó, Trung tâm sản xuất làng nghề Bát Tràng nằm trong diện bị khống chế về mật độ và quy mô các công trình xây dựng. Cụ thể, đối với Khu ki-ốt bán hàng và thương mại dịch vụ: Thửa đất có ký hiệu từ k1 đến k35 mật độ xây dựng 100%, số tầng xây dựng khống chế 1 tầng; Tại thửa đất có ký hiệu: TTCN 10 mật độ xây dựng 48%, số tầng xây dựng khống chế 3 tầng…
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, Trung tâm sản xuất làng nghề bị xây dựng hết sức lộn xộn với nhiều nhà cao tầng, biệt thự kiên cố phá vỡ quy hoạch. Trong đó, không ít biệt thự hoành tráng, quy mô lớn. Liên quan đến vụ việc này, huyện Gia Lâm từng tiến hành thanh tra trách nhiệm của UBND xã Bát Tràng trong việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng và trách nhiệm của HTX Dịch vụ tổng hợp Bát Tràng trong việc quản lý Cụm công nghiệp làng nghề Bát Tràng nhưng đến nay vi phạm chưa được xử lý dứt điểm.
Chính quyền để mặc sai phạm
Được biết, Thanh tra xây dựng đã phát hiện và lập biên bản đối với hầu hết các công trình vi phạm nêu trên. Đơn cử, Tổ trưởng Thanh tra xây dựng xã Đa Tốn là ông Đào Phong Hải khẳng định đã nhiều lần ký văn bản đình chỉ thi công đối với dự án Cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế, kết hợp dịch vụ. Nhưng theo tìm hiểu, đến nay công trình vi phạm này vẫn chưa bị xử lý, còn chủ đầu tư vẫn đang gấp rút hoàn thiện.
Còn tại Khu nhà trưng bày sản phẩm của Cty CP Kinh doanh & Phát triển thương mại Sông Hồng, xuất phát từ việc UBND xã Đa Tốn và Đội Thanh tra xây dựng không xử lý kiên quyết, triệt để nên khi có phương án phê duyệt của huyện Gia Lâm cho phép xây kết cấu cột, khung thép tạm thì công trình đã hoàn thiện với hệ thống khung bê tông cốt thép. Tháng 3/2017, trong một báo cáo gửi UBND huyện Gia Lâm, chủ tịch xã Đa Tốn khẳng định sẽ yêu cầu chủ đầu tư phá dỡ những hạng mục vi phạm. Tuy nhiên đến nay sự quyết liệt vẫn chỉ có giá trị trên “giấy”.
Đối với những công trình vi phạm quy hoạch tại Trung tâm sản xuất làng nghề tập trung xã Bát Tràng, Thanh tra huyện Gia Lâm đã có kết luận và kiến nghị biện pháp xử lý công trình vi phạm, xử lý tập thể và cá nhân liên quan. Thậm chí, hồi tháng 7/2016, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Đức Chung còn trực tiếp chỉ đạo xử lý, nhưng đến nay vi phạm vẫn tồn tại.
Trao đổi với PV ông Phạm Văn May, Chủ tịch xã Bát Tràng cho biết, sau khi phát hiện sai phạm, thành phố đã giao BQL Dự án huyện quản lý khu Trung tâm sản xuất làng nghề. Theo ông May, hiện BQL đang xây dựng quy chế quản lý, trong đó có phương án xử lý đối với các công trình vi phạm đang tồn tại.
Theo Tiền phong Online