Hai doanh nghiệp đóng tàu đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ "cầu cứu" vì họ cho rằng Tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng-Thái Bình gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Được biết, trước đó Công ty cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương và Công ty TNHH Thương mại Khiên Hà có đề nghị liên quan đến việc hoạt động của các nhà máy đóng tàu bị ảnh hưởng do dự án cầu vượt trên sông Văn Úc, thành phố Hải Phòng.
Để giải quyết việc này, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát lại đề xuất Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/9/2017.
Dự án xây dựng đoạn tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua Hải Phòng và tỉnh Thái Bình dài 29,7 km đường bộ (20,782 km thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng và 8,925 km thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình). Dự án có tổng vốn đầu tư là 3.460 tỷ đồng.
Trên đoạn tuyến từ Hải Phòng - Thái Bình sẽ có 8 cây cầu được xây dựng. Trong đó, có 2 cây cầu lớn nhất là cầu vượt qua sông Văn Úc dài gần 2 km và cầu vượt sông Thái Bình dài hơn 1 km.
Đây là một trong số các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua 6 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa (550 km) thuộc Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2010.
Tuyến đường này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển liên kết vùng, mở ra hướng phát triển kinh tế đột phá cho từng địa phương. Mới đây, Lãnh đạo 3 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và Xây dựng đã có cuộc họp bàn để thống nhất tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư để có thể hoàn thành tuyến đường trước năm 2020.
Theo Trí thức trẻ