Tổ chức này hoạt động độc lập và bình đẳng với tổ chức công đoàn, thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi đoàn viên. Để được phép thành lập, tổ chức đại diện người lao động phải được cấp phép, có tổ chức bộ máy, điều lệ hoạt động và tối thiểu từ 20 đoàn viên trở lên.
Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, cho biết trong tháng 10, dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến người dân.
Trong dự Luật, Bộ Lao động đề xuất tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ ngày 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng làm việc với lao động nam và 4 tháng với nữ, cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Với người lao động suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu trước độ tuổi trên. Lao động chuyên môn kỹ thuật cao, công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác được làm vượt tuổi trên nhưng không quá 5 năm.
Thứ trưởng Lao động Doãn Mậu Diệp cho hay, tuổi nghỉ hưu hiện quy định từ năm 1961, qua 50 năm chưa thay đổi. Theo xu hướng thế giới, nhiều nước đã nâng dần tuổi nghỉ hưu đến 65-67 tuổi và thu hẹp độ tuổi hưu giữa nam và nữ. Việt Nam cũng cần đi theo xu hướng của thế giới do bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa.
Công nhân khu công nghiệp ở Quảng Nam trao đổi với đại diện công đoàn và giới chủ về cách tính lương. Ảnh: Đắc Thành |
Về tiền lương, dự luật đưa ra định nghĩa mới, theo đó tiền lương gồm cả tiền lương theo công việc hoặc chức danh (không thấp hơn lương tối thiểu) và các khoản phụ cấp bổ sung khác được đưa ra trong hợp đồng và thỏa ước lao động tập thể. Quy định này nhằm ngăn chặn doanh nghiệp đưa ra nhiều mức trợ cấp, phụ cấp tăng thu nhập cho người lao động nhưng không được tính vào tiền lương, nhằm giảm các mức đóng góp khác (như bảo hiểm, phí công đoàn).
Tăng giờ làm thêm lên gấp đôi
Dự thảo Luật đề xuất giờ làm một ngày (cả chính thức và làm thêm) không quá 12 giờ, tổng số giờ làm thêm một năm không quá 400 giờ, tăng gấp đôi so với giờ làm thêm hiện nay để đáp ứng nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp. Trong trường hợp đột xuất, giới chủ có thể kéo dài thời gian làm thêm giờ vượt quá quy định, nếu được sự đồng ý của người lao động để phù hợp với doanh nghiệp sản xuất theo các đơn hàng, xử lý sự cố trong sản xuất.
Cùng với tăng số giờ làm thêm, Bộ Lao động cũng đề xuất phương án tiền lương làm thêm giờ tính theo bậc thang, như: Làm thêm ngày thường, giờ đầu lương bằng 150% lương giờ chính, các giờ tiếp theo tối thiểu 200%; tương tự vào ngày nghỉ hàng tuần, lương làm thêm tối thiểu là 300% (từ giờ thứ 3) và ngày lễ tết là 400%.
Về tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, ngoài tổ chức công đoàn hiện nay, dự Luật cho phép người lao động được thành lập, gia nhập, hoạt động tổ chức đại diện người lao động tại nơi mình làm việc.
Tổ chức này hoạt động độc lập và bình đẳng với tổ chức công đoàn, thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi đoàn viên. Để được phép thành lập, tổ chức đại diện người lao động phải được cấp phép, có tổ chức bộ máy, điều lệ hoạt động và tối thiểu từ 20 đoàn viên trở lên.
Người lao động được chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do
Để tạo cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và để đề phòng, xóa bỏ lao động cưỡng bức, dự thảo Bộ luật Lao động đề ra phương án cho phép người lao động được quyền chấm dứt hợp đồng lao động bất kể thời điểm nào, không vì lý do gì mà chỉ cần đáp ứng yêu cầu về thời hạn báo trước.
Thời hạn báo trước vẫn là 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn; 30 ngày với hợp đồng có thời hạn và 5 ngày với hợp đồng thời vụ.
Hiện nay, người lao động chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong một số trường hợp nhất định như: Không được bố trí đúng công việc, địa điểm làm việc; Không được trả lương đầy đủ; bị ngược đãi, quấy rối... và phải tuân thủ quy định về thời hạn báo trước.
Theo lộ trình, sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, người dân, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ trình Thủ tướng vào tháng 12 và trình Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2019. Dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2019 và thông qua vào kỳ họp tháng 10/2019.