Dự án Luật Kiến trúc: Mạnh dạn đề xuất bỏ cấp chứng chỉ năng lực tổ chức

Thứ ba, 19/03/2019, 19:58 GMT+7

Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 7 tới đây, Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua dự án Luật Kiến trúc. Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Hồ Chí Quang về một số nội dung chính của dự án Luật Kiến trúc do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo.

 
Ông Hồ Chí Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc.  

PV: Thưa ông, lần đầu tiên xây dựng công cụ pháp lý riêng, có hiệu lực cao nhất cho lĩnh vực kiến trúc, quan điểm của Bộ Xây dựng, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Kiến trúc như thế nào?

Ông Hồ Chí Quang: Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý Nhà nước và giới KTS đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc, góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư (KTS) có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng Luật Kiến trúc càng cần thiết, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, khắc phục những bất cập, yếu kém trong hoạt động kiến trúc, góp phần định hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Luật Kiến trúc là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của các KTS, tạo tiền đề phát triển kiến trúc Việt Nam.

Quan điểm của Bộ Xây dựng cũng như Chính phủ trình Quốc hội trong xây dựng Luật Kiến trúc điều chỉnh 2 nhóm chính sách: Quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.

PV: Tại phiên họp thường vụ Quốc hội mới đây về dự án Luật Kiến trúc, quy định về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc được các ủy viên Thường vụ đặc biệt quan tâm và đánh giá cao. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Hồ Chí Quang: Đây là vấn đề rất hay, tâm huyết của các nhà văn hóa nói chung và giới KTS nói riêng. Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường vụ Quốc hội và nhất là Chủ tịch Quốc hội cho dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Ban soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội xây dựng quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.

Đây là quy định rất mới mẻ đối với Việt Nam nhưng các nước trên thế giới đều có quy định bản sắc dân tộc riêng. Đơn cử, Luật Kiến trúc của Pháp định nghĩa: “Kiến trúc là biểu hiện của văn hóa”.

Đối với Việt Nam, bản sắc dân tộc là bản sắc của 54 dân tộc anh em, của toàn thể cộng đồng sống trong đất nước Việt Nam. Kiến trúc nằm trong bối cảnh như thế đương nhiên phải có bản sắc. Bộ Xây dựng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Hội KTS Việt Nam... đã và đang cùng chung quan điểm, tư tưởng này trong quá trình xây dựng luật. Theo đó, quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc được xây dựng với 2 nội dung quan trọng, gồm bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc và yêu cầu quản lý đối với các công trình kiến trúc có giá trị.

Đối với địa phương, chính quyền sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, cùng với các dân tộc anh em, cộng đồng đưa ra bản sắc của từng địa phương, không để mai một bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, không để các dân tộc ít người và những người yếu thế mất quyền lợi.

PV: Thưa ông, quy định về cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc là một trong những vấn đề được giới nghề quan tâm nhiều nhất. So với quy định hiện hành, quy định về chứng chỉ hành nghề kiến trúc được đề cập trong dự án Luật Kiến trúc có gì khác biệt?

Ông Hồ Chí Quang: Quan điểm của chúng tôi khi xây dựng quy định về chứng chỉ hành nghề, trước tiên phải tuân thủ nguyên tắc của Chính phủ đã quy định là giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng để KTS có sự sáng tạo trong nghề nghiệp, yên tâm trong hành nghề. Chính vì vậy, hành nghề kiến trúc được xây dựng thành một chương trong dự thảo luật.

Theo quy định cũ, KTS được phân hạng chứng chỉ cấp 1, 2, 3, tuy nhiên sau tham khảo kinh nghiệm thế giới, chúng tôi đề xuất là chỉ có 1 hạng.

Trong nghề sáng tạo này, người trẻ cũng như người nhiều kinh nghiệm, cần nhất là đột phá trí tuệ, sáng tạo nghệ thuật nên chúng tôi muốn hướng tới sự bình đẳng, tránh rào cản.

Đối với tổ chức hành nghề kiến trúc, theo quy định trước kia, chứng chỉ năng lực hành nghề kiến trúc của Cty, tổ chức phân cấp 1, 2, 3. Sau khi tham khảo, xem xét, Ban soạn thảo mạnh dạn đề xuất bỏ cấp chứng chỉ năng lực tổ chức hay phân hạng mà chỉ đặt ra một số điều kiện cơ bản: Doanh nghiệp đó phải có người quản lý chịu trách nhiệm về kiến trúc, phải có chứng chỉ hành nghề và tuân thủ pháp luật về doanh nghiệp. Như vậy, Luật Kiến trúc phá dỡ rào cản để KTS phát triển nghề nghiệp tốt nhất.

Trong quá trình xây dựng Nhà Quốc hội có một hội đồng tư vấn cấp quốc gia cùng góp ý cho thiết kế theo mô hình “bánh chưng bánh dày”, mang hồn Việt vào trong một công trình rất hiện đại này.

PV: Mới đây, Thường vụ Quốc hội đã đồng tình với quan điểm Cơ quan soạn thảo và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội là có quy định về Hội đồng kiến trúc Quốc gia trong dự án Luật. Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của Hội đồng Kiến trúc Quốc gia?

Ông Hồ Chí Quang: Quy định về Hội đồng kiến trúc Quốc gia là một nội dung mà cơ quan soạn thảo tâm huyết. Trên thế giới, tư vấn về pháp luật, kiến trúc đều có hội đồng quốc gia. Tại Việt Nam, từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hình thành Hội đồng Kiến trúc quốc gia với tư cách là tổ chức tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng. Tổ chức này hoạt động tương đối tốt. Hiện nay, một số tỉnh vẫn có hội đồng quy hoạch kiến trúc địa phương. Do hội đồng này có đặc trưng, đặc thù riêng nên cần phải quy định luật hóa để nâng cao vai trò, vị trí và hướng dẫn hoạt động.

Dự thảo luật Kiến trúc quy định Hội đồng kiến trúc Quốc gia chỉ được thành lập khi cần thiết, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, sự hình thành và hoạt động của Hội đồng Kiến trúc Quốc gia bảo đảm tính linh hoạt, không làm phát sinh thêm bộ máy, gây tốn kém, lãng phí.

Hy vọng trong tương lai, với tư tưởng xuyên suốt về bản sắc, thâm niên công tác, kinh nghiệm nghề nghiệp, Hội đồng sẽ hỗ trợ tốt nhất cho quốc gia, cho các địa phương, góp phần xây dựng đất nước tốt đẹp hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Quý Anh / baoxaydung.com.vn