Dự án luật Kiến trúc: Hội đồng kiến trúc Quốc gia được thành lập khi cần thiết

Thứ năm, 14/03/2019, 19:36 GMT+7

Tại phiên họp sáng 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc.

Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc

Báo cáo một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng cho biết: Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Thường trực Ủy ban KHCN&MT thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Luật như Tờ trình của Chính phủ vì cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật cần phản ánh được đầy đủ các chế định cần thiết đối với hoạt động kiến trúc, đáp ứng mục tiêu quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc như yêu cầu của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đặt ra khi xây dựng Luật này. Do đó, dự thảo Luật điều chỉnh về 2 nhóm chính sách, bao gồm Quản lý kiến trúc và Hành nghề kiến trúc là phù hợp.

Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, Thường trực Ủy ban KHCN&MT tán thành sự cần thiết và đã tiếp thu bổ sung quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, trong đó quy định rõ những hoạt động kiến trúc được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích làm cơ sở để thực hiện quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.

Về quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc, Thường trực Ủy ban KHCN&MT nhận thấy việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật không thể mô tả cụ thể nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc cũng như bản sắc văn hóa trong kiến trúc của từng dân tộc, bởi vì đây là những yếu tố hết sức đa dạng và phong phú. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KHCN&MT đã bổ sung vào dự thảo Luật một điều riêng về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa nghệ thuật; phong tục tập quán sinh hoạt của địa phương; phương pháp kỹ thuật xây dựng và sử dụng VLXD… Đồng thời, quy định các địa phương có trách nhiệm cụ thể hóa các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với từng vùng, miền, địa phương do mình quản lý…

Liên quan đến ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung quy định về việc bảo tồn, phát huy công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, Thường trực Ủy ban KHCN&MT tán thành sự cần thiết bổ sung quy định về vấn đề này vì thực tế hiện nay đang tồn tại nhiều công trình kiến trúc có giá trị, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, kiến trúc… nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa đã và đang xuống cấp và bị xâm hại; việc tu bổ, phục hồi chưa phù hợp… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cơ sở pháp lý chưa thực sự đầy đủ. Vì vậy, để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của loại công trình này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về yêu cầu quản lý đối với công trình kiến trúc có giá trị tại Điều 13, bảo đảm không chồng chéo với quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần có quy định nhằm phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, hạn chế kiến trúc ngoại lai gây phản cảm, phá vỡ cảnh quan kiến trúc mang tính lịch sử, văn hóa và môi trường hiện nay. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn về nội hàm nhất là về phong cách, đặc điểm văn hóa các dân tộc. Quy định cần mang tính chính trị, tính định hướng nhằm cổ vũ, hướng dẫn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thống nhất về sự cần thiết của Hội đồng kiến trúc Quốc gia

Về Quy chế quản lý kiến trúc, Thường trực Ủy ban KHCN&MT nhận thấy, việc ban hành Quy chế quản lý kiến trúc là cần thiết để đáp ứng yêu cầu xây dựng, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan cho toàn bộ đô thị và điểm dân cư nông thôn.

Tiếp thu ý kiến băn khoăn xác đáng của ĐBQH, dự thảo Luật đã bỏ quy định về Quy chế quản lý kiến trúc cấp xã; sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc, nội dung, tổ chức lập, điều chỉnh, rà soát, đánh giá thực hiện Quy chế. Để tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý, cấp phép xây dựng, góp phần tạo lập môi trường đầu tư xây dựng thông thoáng, dự thảo Luật chỉ quy định một loại Quy chế quản lý kiến trúc.

Về Hội đồng Kiến trúc quốc gia, đa số ý kiến ĐBQH cho rằng, cần thiết quy định về Hội đồng kiến trúc Quốc gia với tư cách là cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, có nên quy định về Hội đồng trong dự thảo Luật hay không thì có 2 loại ý kiến khác nhau:

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành sự cần thiết quy định trong Luật vì mặc dù chỉ là cơ quan tư vấn theo vụ việc cho Thủ tướng Chính phủ nhưng Hội đồng tư vấn lại có vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng. Dự thảo Luật đã quy định Hội đồng này chỉ được thành lập khi cần thiết, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ là phù hợp, bảo đảm tính linh hoạt, không làm phát sinh thêm bộ máy, gây tốn kém, lãng phí. Theo kinh nghiệm ở một số quốc gia thì mô hình Kiến trúc sư trưởng đang dần được thay thế bằng mô hình Hội đồng hoặc Ủy ban. Do đó, nên luật hóa về Hội đồng Kiến trúc quốc gia. Tương tự ở địa phương, dự thảo Luật nên bổ sung quy định về Hội đồng kiến trúc cấp tỉnh.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết quy định trong Luật vì việc thành lập các tổ chức tư vấn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, do đó việc tồn tại Hội đồng này có thể làm phát sinh thêm thủ tục hành chính. Mặt khác, việc không thành lập Hội đồng sẽ giúp tăng cường vai trò, trách nhiệm tham mưu của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực kiến trúc. Vì thế cũng không nên quy định về Hội đồng kiến trúc cấp tỉnh trong dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban KHCN&MT nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và đã được thể hiện tại Điều 16 dự thảo Luật.

Về chứng chỉ hành nghề (CCHN) kiến trúc, Dự thảo Luật đã quy định 3 đối tượng bắt buộc có CCHN, bao gồm cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc; cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc và kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.

Thường trực Ủy ban KHCN&MT thống nhất nên từng bước xã hội hóa giao việc cấp CCHN cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Luật Xây dựng (Điều 149) đã quy định giao cho một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp CCHN hoạt động xây dựng theo những hạng nhất định.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, kế thừa pháp luật về xây dựng và tránh xáo trộn trong hoạt động quản lý nhà nước, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh lập Hội đồng xét cấp CCHN ở địa phương với thành phần là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, chuyên gia. Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, các cơ sở nghiên cứu đào tạo về kiến trúc trong quá trình cấp, gia hạn CCHN, sát hạch hành nghề kiến trúc, thực hiện chương trình phát triển nghề nghiệp liên tục, ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư như trong dự thảo Luật.

Tán thành việc quy định về Hội đồng kiến trúc quốc gia trong luật, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận xét, cách thể hiện tại Điều 16 cũng khá "mềm mại", để Nhà nước linh hoạt lập hội đồng khi có những công trình quan trọng, cần thiết phải nghe tư vấn.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng dẫn chứng, chính Nhà Quốc hội hiện nay, trong quá trình thiết kế, xây dựng cũng có một hội đồng tư vấn cấp quốc gia để cùng góp ý, tham gia phản biện, bảo vệ các quan điểm thiết kế về việc mang hồn Việt vào trong một công trình rất hiện đại.

Cuối phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận: Thường vụ đồng tình có quy định về bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam trong luật, hạn chế kiến trúc ngoại lai, phản cảm, nhưng cần làm rõ hơn nội hàm. Thường vụ cũng đồng tình quy định về hội đồng kiến trúc, thành lập khi cần và làm việc kiêm nhiệm.


Quý Anh / baoxaydung.com.vn
suncity oxbet bk8 s666 11bet zbet lode88 12bet nbet hb88 kubet77 fcb8 k8 mig8 top88 sbobet vnloto onebox63 vwin bet69 zowin win2888 sun hotlive bet168 ibet888 33win bong99 kubet w88 bong88 m88 vn88 xoso66 vobo88 binh88 jdb666 corona888 kimlong90 hb88g pua88 dd7 8xbet