(Xây dựng) - Ngày 29/8, Ban chỉ đạo dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (EECB) đã họp nhằm đánh giá việc triển khai các nhiệm vụ trong 8 tháng đầu năm 2019.
Ban Quản lý dự án đề xuất gia hạn dự án 20 tháng nhưng không phát sinh chi phí.
Tham dự cuộc họp có Phó trưởng đại diện UNDP; ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ Xây dựng; các thành viên Ban chỉ đạo (đại diện các Bộ, ngành liên quan), Ban Quản lý dự án EECB và các chuyên gia của dự án.
Tại cuộc họp, bà Hoàng Thị Kim Cúc - Quản đốc dự án EECB đã báo cáo về kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo khung kết quả dự án, đặc biệt là các kết quả cam kết quan trọng.
Theo báo cáo, dự án EECB Bộ Xây dựng do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ cho Bộ Xây dựng thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), được triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020.
Dự án gồm 03 hợp phần: Soát xét, bổ sung, chỉnh sửa và nâng cao năng lực thực thi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả; Xây dựng các sáng kiến hỗ trợ phát triển thị trường; Trình diễn và nhân rộng giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng trong ngành Xây dựng.
Theo bà Hoàng Thị Kim Cúc, so với kế hoạch công tác năm 2019, dự án đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đề ra như hoàn thành các báo cáo đánh giá giữa kỳ; hoàn thành và đang đàm phán hợp đồng với 04/08 gói thầu; góp ý nâng cấp Website về tiết kiệm năng lượng (tietkiemnangluong.xaydung.gov.vn); công bố cơ sở dữ liệu (CSDL) tiêu thụ năng lượng đối với các loạt vật liệu và thiết bị xây dựng.
Dự án cũng tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng; xây dựng và nghiệm thu cơ sở 05 tiêu chuẩn về đặc tính hiệu quả năng lượng của vật liệu xây dựng (VLXD); cập nhật bộ câu hỏi sát hạch cấp chứng chỉ năng lực hành nghề xây dựng liên quan đến tuân thủ QCVN09:2017/BXD; xây dựng và tham vấn cập nhật định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình, dự thảo báo cáo rà soát, bổ sung giá sản phẩm, vật liệu, thiết bị, suất vốn đầu tư của công trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đặc biệt, dự án đã hoàn thành khảo sát tiêu thụ năng lượng ở 165 công trình có tổng diện tích sàn trên 2.500m2 (05 loại công trình và 02 vùng khí hậu); tham vấn thí điểm đo lường, kiểm định hiệu quả năng lượng và dán nhãn năng lượng (Dự án EECB cấp chứng chỉ); góp ý Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP3).
Dự án cũng đã hoàn thành 5/5 lớp tập huấn tăng cường năng lực thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc; lắp đặt và đào tạo vận hành 4/4 hệ thống mô hình tiết kiệm năng lượng cho Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý năng lượng Hà Nội; Lựa chọn bổ sung 05 công trình cải tạo tham gia dự án trình diễn giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng, nâng số công trình hỗ trợ lên 18 (08 công trình mới và 10 công trình cải tạo).
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo cũng nghe báo cáo về chính sách pháp luật thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng do TS. Nguyễn Trung Hòa - cố vấn Ban Quản lý dự án EECB trình bày.
Đại diện UNDP đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng đối với dự án, đồng thời cho biết UNDP sẵn sàng hỗ trợ Bộ Xây dựng trong các hoạt động xây dựng thể chế liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đại diện UNDP cho rằng quy định về sử dụng năng lượng hiệu quả trong Luật Xây dựng là rất cần thiết, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động thúc đẩy thực thi QCVN09:2017/BXD, các tiêu chuẩn khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng, hoạt động dán nhãn năng lượng cho sản phẩm và công trình xây dựng, do đó dự án EECB và UNDP Việt Nam cần phối hợp có văn bản đề xuất với Bộ Xây dựng.
Đại diện của UNDP cũng nhất trí với đề xuất gia hạn thời gian thực hiện dự án thêm 20 tháng nhưng không phát sinh chi phí. Tuy nhiên về việc này, UNDP đề nghị Bộ Xây dựng và Ban Quản lý dự án có đề xuất chính thức về việc gia hạn trong tháng 9/2019 để UNDP có cơ sở làm việc với nhà tài trợ GEF.
Theo ý kiến của đại diện Bộ Công Thương, dự án EECB Bộ Xây dựng có phạm vi rất rộng như: Xây dựng chính sách, hỗ trợ trực tiếp các dự án xây dựng, truyền thông về tiết kiệm năng lượng, đào tạo tăng cường năng lực… Việc triển khai dự án nghiêm túc, bám sát tiến độ được phê duyệt.
Là thành viên của Ban chỉ đạo, Bộ Công Thương nhất trí với các nội dung báo cáo của Ban Quản lý dự án, đồng tình với đề xuất gia hạn dự án và đề nghị Bộ Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện QCVN09:2017/BXD cũng như phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, trước hết là sửa đổi Nghị định số 21, sau đó là sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường ghi nhận dự án EECB đã bảo đảm được tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2019. Khối lượng công việc và giải ngân tốt.
Về việc gia hạn dự án 20 tháng, ông Ngọc Anh đề nghị Ban Quản lý dự án chuẩn bị hồ sơ xin gia hạn gửi UNDP và đề nghị đại diện UNDP làm việc với nhà tài trợ, hỗ trợ gia hạn để dự án hoàn thành đúng các nội dung công việc.
Đồng thời, ông Vũ Ngọc Anh đề nghị UNDP có thư gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc bổ sung nội dung quy định về công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi. Vụ Khoa học công nghệ và môi trường đã và đang chủ động đề xuất với Bộ trưởng bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi.
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường đồng thuận với việc tham gia vào quá trình sửa đổi Nghị định 21; tiếp tục hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu các tiêu chuẩn về đặc tính hiệu quả năng lượng của VLXD.
Sau cùng, Vụ trưởng đề nghị dự án cập nhật Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả được ban hành vào tháng 3/2019 nhằm sớm hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng về tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng đến năm 2030, để kịp trình lãnh đạo Bộ Xây dựng ban hành trong năm 2019.