Sau khi Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư dự án khu đô thị Đại Thanh (Hà Nội) và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, hàng loạt chủ sở hữu biệt thự, liền kề tại khu đô thị này đứng trước nguy cơ không được cấp sổ đỏ.
Chủ sở hữu nhiều biệt thự, liền kề đã xây hoặc chưa xây dựng
tại dự án Đại Thanh vẫn chưa được cấp sổ đỏ
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố, việc thực hiện dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh “có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng”, các bên tham gia dự án cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước về xây dựng, đầu tư, đất đai, kinh doanh BĐS…
Theo quy định, dự án Đại Thanh muốn được xây dựng và chuyển nhượng đúng pháp luật thì phải thực hiện các thủ tục như phê duyệt dự án nhà ở, quyết định giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhận bàn giao đất ngoài thực địa, giải phóng mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước…
Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định khi căn hộ tại dự án này đã được bàn giao đến tay người dân. Bên cạnh các căn hộ liền kề, biệt thự tại khu đất này, chủ đầu tư còn cho xây 6 tòa nhà chung cư cao tầng trên khu đất vốn không phải cấp cho mục đích nhà ở.
Với tổng diện tích hơn 15 ha, đất tại KĐT Đại Thanh thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội là đất nhà nước cho Công ty Gốm xây dựng Đại Thanh thuê từ năm 2000 với thời gian thuê là 20 năm và trả tiền hàng năm với mục đích sản xuất gạch ngói.
Tháng 10/2009, Công ty CP và Thương mại Đại Thanh đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Đầu tư Hải Phát. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau đó, Công ty Hải Phát và Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã ký hợp đồng góp vốn thực hiện đầu tư dự án Đại Thanh và chuyển nhượng toàn bộ số vốn góp cho Doanh nghiệp Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên.
Đầu năm 2010, UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho Công ty Hải Phát nghiên cứu lập và thực hiện dự án Đại Thanh và yêu cầu “nhà đầu tư là Công ty Hải Phát chỉ được quyền thực hiện dự án sau khi hoàn thành đầy đủ các thủ tục và nghĩa vụ theo quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và các quy định hiện hành khác. Nghiêm cấm việc huy động vốn để triển khai dự án không đúng quy định của pháp luật dưới mọi hình thức”. Mặc dù thế, Công ty Hải Phát vẫn cho xây dựng căn hộ, phân lô rồi bán ra thị trường.
Đáng nói, UBND xã Tả Thanh Oai thống kê, trong 5 năm (2012 - 2016), cơ quan chức năng huyện Thanh Trì đã lập biên bản xử lý sai phạm và ra gần 30 quyết định xử phạt đối với chủ đầu tư là Công ty Hải Phát do xây dựng trên đất không được phép xây dựng vì chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Do chủ đầu tư cũ và mới chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính và thủ tục đất đai đối với nhà nước, UBND TP. Hà Nội cũng chỉ đạo tạm dừng việc xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tại dự án Đại Thanh.
Sau một thời gian dài chờ đợi, hiện hàng loạt chủ các lô biệt thự, liền kề tại dự án Đại Thanh đã có đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng Hà Nội đề nghị sớm có hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi họ đã chi hàng chục tỷ đồng để mua đất tại dự án này nhưng không được xây dựng vì chưa có sổ đỏ.
Theo Vneconomy